Thị trường bất động sản Đà Nẵng có nóng lên sau thông tin sáp nhập tỉnh?
Thị trường bất động sản Đà Nẵng quý 1/2025 phục hồi nhẹ ở phân khúc căn hộ và nhà phố, nhưng đất nền và nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trầm lắng.
Căn hộ và nhà phố phục hồi, đất nền vẫn trầm lắng
Trong quý 1/2025, thị trường bất động sản nhà ở tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận ghi nhận những chuyển biến tích cực ở một số phân khúc, trong đó căn hộ và nhà phố/biệt thự là hai phân khúc dẫn đầu đà hồi phục. Trong khi đó, đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc Đầu tư DKRA Group, phân khúc đất nền tiếp tục đối mặt với tình trạng nguồn cung hạn chế. Theo thống kê từ DKRA Consulting, chỉ có khoảng 978 nền đất từ 16 dự án được giới thiệu ra thị trường trong quý 1, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, toàn bộ nguồn cung sơ cấp đều đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam.
Tuy nhiên, sức cầu vẫn rất yếu, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 9% tổng nguồn cung, giảm tới 39% so với quý 1/2024. Mặc dù vậy, mặt bằng giá sơ cấp vẫn tăng trung bình 7% so với cuối năm 2024, trong khi giá thứ cấp tăng từ 6% - 9%.
Ngược lại, phân khúc căn hộ ghi nhận sự phục hồi rõ rệt với 18 dự án triển khai, cung cấp 1.244 căn hộ ra thị trường – tăng 19% so với cùng kỳ. Đà Nẵng là khu vực tập trung chủ yếu của các dự án mở bán, trong khi TP Huế và Quảng Nam vẫn khan hiếm nguồn cung mới.
Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 25% – gấp gần ba lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các dự án đã bắt đầu mở bán từ cuối năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp tăng từ 3% - 6%, trong khi thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt là tại Quận Ngũ Hành Sơn, dao động từ 7% - 12%.

Phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận nguồn cung sơ cấp khoảng 759 căn từ 11 dự án, tăng 4% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước năm 2019. Đáng chú ý, phần lớn nguồn cung đến từ hàng tồn kho, chiếm đến 93%. Tỷ lệ hấp thụ đạt 9%, tương đương 66 căn, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giao dịch vẫn chỉ tập trung ở các dự án lớn, pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín. Giá sơ cấp giữ ổn định, trong khi giá thứ cấp giảm nhẹ khoảng 4%.
Ngược lại, bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục chìm trong sự ảm đạm. Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng chỉ có 9 dự án mở bán với tổng nguồn cung 232 căn, giảm 1% so với cùng kỳ. Các dự án mới hầu như không xuất hiện, lượng giao dịch yếu, giá sơ cấp không thay đổi, nhưng các chủ đầu tư vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ như chia sẻ doanh thu, hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc để kích cầu.
"Đối với phân khúc shophouse nghỉ dưỡng, thị trường không ghi nhận hoạt động mua bán đáng kể. Nguồn cung sơ cấp ít, không phát sinh giao dịch mới. Mức giá sơ cấp dao động từ 7,1 - 16,3 tỷ đồng/căn, gần như không đổi so với quý trước. Thị trường thứ cấp cũng tiếp tục trầm lắng.
Riêng với condotel, nguồn cung sơ cấp đạt 670 căn từ 9 dự án – giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, toàn bộ đến từ hàng tồn kho. 93% nguồn cung tập trung tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ gần như bằng 0, giảm hơn 99% so với quý trước. Giá bán sơ cấp đi ngang, cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn dè dặt với loại hình này" ông Thắng nhận định.
Các sản phẩm pháp lý rõ ràng được kỳ vọng
Theo dự báo từ DKRA Consulting, quý 2/2025 sẽ không có nhiều đột biến. Phân khúc đất nền được dự báo vẫn khan hiếm với lượng mở bán mới chỉ khoảng 80 - 120 sản phẩm, chủ yếu tập trung tại Quảng Nam và Đà Nẵng. TP Huế gần như không có dự án mới. Sức cầu có thể tăng nhẹ nhưng vẫn yếu so với kỳ vọng. Mặt bằng giá sơ cấp được dự đoán sẽ tiếp tục neo cao do ảnh hưởng từ chi phí đầu vào.
Ông Võ Hồng Thắng dự báo, đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo đạt 800 - 1.500 căn, tập trung tại các quận trung tâm của Đà Nẵng như Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Căn hộ hạng A tiếp tục chiếm ưu thế trong tổng cơ cấu. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô như đàm phán thuế quan với Mỹ và sáp nhập các địa phương có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Dù vậy, thanh khoản sơ cấp và thứ cấp vẫn được kỳ vọng duy trì ổn định.

Phân khúc nhà phố/biệt thự dự kiến tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, phần lớn sản phẩm đưa ra thị trường sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã triển khai trước đó. Giao dịch chủ yếu diễn ra tại các dự án của những chủ đầu tư lớn, pháp lý rõ ràng và có tiến độ xây dựng đảm bảo. Chính sách ưu đãi, chiết khấu vẫn sẽ là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy thanh khoản.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng. Nguồn cung mới gần như không có, thanh khoản dự báo tiếp tục yếu. Giá sơ cấp duy trì ổn định, ít biến động. Các chủ đầu tư vẫn sẽ duy trì chính sách hỗ trợ tài chính như giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… để kích cầu trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.