Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 20/06/2023, 07:07 (GMT+7)

Nỗi lòng của diễn viên quần chúng

Nghe tâm sự của diễn viên quần chúng về chuyện… ăn cơm đoàn phim mới thấy có đôi khi lòng người thật khắc nghiệt.

Mới đây trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip một người từng là diễn viên quần chúng kể chuyện đi làm phim và nhận thái độ ghẻ lạnh, phân biệt đối xử của một số bộ phận trong đoàn làm phim khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Chủ nhân clip chính là diễn viên hài Lâm Kha, anh chia sẻ, trong một lần đến phim trường chờ quay phim thì tới giờ cơm, anh ra khu vực ăn uống để lấy một hộp cơm do bộ phận nấu ăn của đoàn phim chuẩn bị cho cả đoàn, thì bị cản lại với những lời lẽ hết sức nặng nề: “Ê! diễn viên quần chúng không được ăn cơm, muốn ăn thì ra ngoài kia mua kìa, còn cái này là cơm của diễn viên, của ekip đoàn phim người ta ăn, bởi cái đám tụi bây cứ ăn xong bữa nào cũng thiếu cơm hết!". Anh liền kêu lên định giải thích nhưng bị chặn ngang không kịp phân bua lời nào. Sau đó anh trả lại hộp cơm và xin trợ lý đoàn phim cho mình đi ra ngoài mua cơm ăn để có sức chờ quay tiếp thì câu chuyện mới được giải quyết, anh cũng được trợ lý đoàn phim hỗ trợ có 1 suất cơm nhưng đến lúc này anh cảm thấy “mình nhận hộp cơm mà ăn không nổi…”.

dien-vien-quan-chung-1

Phía dưới clip, rất nhiều người để lại những dòng bình luận đồng cảm và xót xa cho thân phận của những người làm nghề diễn viên quần chúng trong một đoàn phim.

Một tài khoản kể: “Có lần 2 đứa nhỏ extra (diễn viên quần chúng – PV) tới xin được 2 tô mì, lúc đó đoàn phim ăn gần hết mà mì còn nhiều, thế là 2 em vừa cầm tô mì thì bị cô trợ lý giật lại và nói: “Quần chúng không được ăn cái này!”. Chỉ là 2 tô mì dư thôi mà, giật lại thì cũng bỏ đi… Tình người như thế sao? Quần chúng cũng là con người mà, sao lại đối xử như thế? Buồn!”.

Một tài khoản khác nhớ lại: “Đã từng gặp y chang. Trợ lý xin lỗi và đem một tô cơm kêu ăn, nhưng nó nghẹn đến cổ họng rồi nuốt sao vô. Một kỉ niệm buồn!”.

“Trước thì em vừa bới cơm định múc đồ ăn cũng bị làm kiểu như cơm của ekip, diễn viên, đạo diễn… Rồi cũng im lặng đợi người ta lựa đồ ăn cho mình. Lúc đó ăn cơm thấy sao cơm tổ hôm nay nó đắng quá. Ngồi một góc ăn mà ngẫm. Trộm vía tổ thương, sau này làm job, không cần biết job ấy thế nào, diễn viên vai lớn hay nhỏ... Cơm nước, chế độ tất cả đều như nhau hết. Nên xong job em còn được nhận ít tiền lộc lá…”.

“Phải yêu và rất yêu, phải đam mê và rất đam mê mới theo nghề này, ngày xưa anh cũng từng bị la khi ăn cơm trưa ở đoàn làm phim, thế là bỏ 15 nghìn mua hộp cơm ăn trong khi quay được 80 nghìn 1 ngày hihi…”.

dien-vien-quan-chung-2
dien-vien-quan-chung-3

Có người còn bức xúc thay: “Thể loại coi thường người kiểu đó, suốt đời cũng không khá nổi! Đúng miếng ăn là miếng tồi tàn, được phục vụ từ những con người tồi tệ!”.

Tuy nhiên, không phải đoàn làm phim nào diễn viên quần chúng cũng bị đối xử khắc nghiệt như thế. Cũng không phải chỉ duy nhất có diễn viên quần chúng là gặp trường hợp này mà diễn viên chính cũng bị như thường. Điển hình là diễn viên Lê Quốc Nam, anh đồng cảm: “Tui vai chính lo quay xong ra ăn còn báo hết đồ ăn chỉ còn cơm thôi mà. Nhưng nói gì nói, nhà sản xuất nên xem lại chuyện này. Tên tuổi chính-phụ thì đã có đồng lương khác nhau rồi, còn cách đối xử thì nên giống nhau chứ không có “Extras” thì lấy gì ra 1 bộ phim…”.

Diễn viên hài Lê Trang đưa ra góc nhìn của mình: “Tuỳ đoàn. Có đoàn chính diễn viên tụi mình cũng bị. Nhiều khi mình dính phân đoạn đó xong là “off” thì mọi người ăn từ từ, tới mình ra hết đồ ăn thì cũng nhịn. Nhưng có đoàn lại được cưng hú hồn. Nên, cái này do tính cách của người nấu cơm thôi. Vẫn là câu nói, nhưng nhiều người không biết cách lại vô tình coi thường người khác. Nhưng có những cô chú nấu cơm lại rất tử tế dễ thương. Phần khác, đôi khi sản xuất người ta chỉ đưa đủ 1 phần tiền cho bao nhiêu người ngày hôm đó. Việc phát sinh thêm người ta không được báo hay sao đó thì lại thiếu cơm ở bộ phận chính, rồi bên này hoạch hẹ bên kia, người nấu cơm “lãnh đạn”. Nên cũng có thể là 1 phần khiến họ trút giận lên người khác. Nhưng, tóm lại dù có như thế nào, ở bộ phận nào thì “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

dien-vien-quan-chung-4
Diễn viên hài Lê Trang.

Sau khi clip được nhiều người chia sẻ và đồng cảm, diễn viên hài Lâm Kha – chủ nhân đoạn clip cũng đã để lại bình luận như một cách xoa dịu vấn đề: “Đây là câu chuyện em đã từng trải, đó là một bộ phận nhỏ làm mất đi cái hình ảnh đẹp của nghề nghệ thuật. Chứ trong nghề có rất nhiều cô chú anh chị làm nghề đi trước rất tử tế và dìu dắt đàn em chân ướt chân ráo vào nghề. Và cũng có nhiều diễn viên trẻ nổi tiếng quá sớm rồi không biết người lớn. Mong rằng chúng ta cùng ăn cơm tổ cùng yêu thương nhau”.

Diễn viên quần chúng hay được gọi là diễn viên làm nền (dân trong nghề gọi là Extras) được xem là một phần linh hồn của bộ phim, giúp cho bộ phim trở nên chân thực, tự nhiên và sống động hơn. Dù chỉ đóng góp 1 vai rất nhỏ, 1 lần lướt qua, 1 câu thoại vu vơ nào đó thì vai trò của diễn viên quần chúng cũng rất quan trọng để góp phần làm nên sự thành công của một bộ phim.

Tuy nhiên, ít ai biết, làm diễn viên quần chúng thật sự vất vả và lắm gian truân. Để được chọn làm diễn viên quần chúng cũng đâu phải dễ dàng. Dù chỉ là xuất hiện thoáng qua cũng cần phải có ngoại hình đẹp, phải biết chút diễn xuất, hay là phải phù hợp với từng loại vai. Họ cũng chẳng được biết trước kịch bản như diễn viên chính, lại phải phụ thuộc vào đạo diễn và diễn viên chính nếu như cảnh đó diễn viên chính quay không đạt có khi phải diễn đi diễn lại rất nhiều lần. Có khi ngồi “lăn lóc” cả ngày cả đêm để chờ đến lượt quay 1 phân cảnh mà đoàn phim có thể cắt bỏ bất cứ lúc nào. Họ cũng không được nhận nhiều sự quan tâm và đầu tư từ đoàn làm phim bởi mọi sự đầu tư đều đổ dồn vào dàn diễn viên chính.

Chưa kể, có khi họ còn bị bắt nạt, kỳ thị, phân biệt đối xử, phải chịu tủi nhục, rơi nước mắt, thậm chí suýt mất mạng vì những cảnh quay nguy hiểm… chỉ vì để thoả đam mê, để mong một ngày nào đó được gắn bó với nghề ở một vị trí cao hơn, hay đơn giản chỉ là để “kiếm cơm” với những đồng thù lao ít ỏi.

dien-vien-quan-chung-5
Một cảnh đóng vai làm bảo vệ của anh Việt Quốc (giữa).

Thù lao của diễn viên quần chúng thường được tính theo ngày công, tuỳ vào phim truyền hình, điện ảnh hay quảng cáo, đóng MV… và còn tuỳ vào vai có thoại hay không thoại để quyết định mức độ chênh lệch của tiền thù lao. Thông thường khoảng 180 nghìn đồng/ngày đối với phim truyền hình. Còn với phim điện ảnh giá sẽ cao hơn, khoảng 350-500 nghìn đồng/ngày kèm theo các chế độ khác như bao ăn uống, di chuyển, chỗ ở nếu quay tỉnh xa…

Vốn chịu nhiều thiệt thòi là thế, dẫu cũng đóng góp một phần thành công cho bộ phim vậy nhưng chẳng mấy ai được nhớ mặt đặt tên. Cuối cùng vẫn chỉ là một cái tên gọi không thể nhạt nhoà hơn: "Làm quần chúng". Nếu không cố gắng để trở thành một diễn viên thực thụ, thì mãi mãi sẽ chỉ với tên gọi ấy thôi…

Vậy nên, có nhiều người vì không chịu nổi cái sự khắc nghiệt của nghề diễn viên quần chúng đã bỏ nghề và rẽ sang hướng khác dù cũng xuất thân từ những ngôi trường chuyên về diễn xuất chứ không phải tay ngang.

Cùng chuyên mục