Những địa điểm du lịch nổi tiếng khi đến Trà Cổ, Quảng Ninh
Trà Cổ là một địa danh gắn liền với nhiều cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ và di tích lịch sử mang nhiều dấu ấn về văn hoá truyền thống của dân tộc.
Với hơn 15km đường bờ biển, Trà Cổ là một trong các bãi biển dài nhất Việt Nam. Đây cũng là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo nên khiến cảnh quan biển nơi đây rất nên thơ và hấp dẫn. Cảnh đẹp ở đây không giống ở Hạ Long, Đồ Sơn hay những bãi biển khác, bởi làn cát mịn màng hoà trong nước biển xanh ngắt mang dáng dấp của biển miền Trung nhưng lại có những dãy núi soi mình mang dáng dấp biển miền Bắc. Sự hoà lẫn của các vùng biển ấy tạo cho Trà Cổ một vẻ đẹp sông núi hiền hoà, trữ tình và nên thơ. Đã có khá nhiều danh hiệu được đặt cho bãi biển Trà Cổ như Bãi biển hoang sơ nhất, Bãi biển lãng mạn nhất, Bãi biển gần biên giới nhất...
Bãi biển Trà Cổ
Bãi biển Trà Cổ trải dài trên 15km nên không khó cho các nhóm khách tìm thấy những góc riêng để chụp ảnh check-in. Chị Phan Thị Nhài, du khách TP Cẩm Phả cho biết, đến Trà Cổ chị cảm thấy rất thư thái vì không khí trong lành, việc đi dạo, chụp ảnh trên bãi biển là cách đơn giản để bổ sung năng lượng tích cực.
Đến với bãi biển Trà Cổ, du khách có thể tham gia vào trải nghiệm thả lưới bắt cá. Tấm lưới lớn phải dùng bè mới thả được. Và để kéo lưới cần tới nhiều người. Khi lưới đã được thả hết, đủ căng, mọi người đứng trên bờ biển cùng hô vang nhịp điệu một – hai, một – hai. Xen lẫn trong nhịp điệu lao động sôi nổi ấy là tiếng cười giòn tan của những em bé đang nhảy nhót xung quanh mọi người. Vào những ngày biển có sóng lớn, thành quả thu được phần nhiều là sứa nhưng những ngày lặng gió và nếu đủ may mắn bạn sẽ thu được cả mẻ cá lạp xạp, thừa sức cho một bữa lẩu. Du khách được hướng dẫn chỉ lấy những con cá đủ lớn và thả lại cá con về biển.
Bãi Đá Đen
Tới Trà Cổ, bạn không nên bỏ qua bãi Đá Đen (hay còn gọi là bãi biển Ngọc Sơn), toạ lạc xa trung tâm thành phố Móng Cái nên nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ hiếm có. Nắm nép mình dưới chân núi Ngọc, bãi Đá Đen hấp dẫn bởi những phiến đá đan xếp đều thoải dài trên cát.
Càng đặc biệt hơn khi bên cạnh bãi Đá Đen là một dải cát trắng dài, phẳng mịn dài khoảng 7km, nằm nghiêng nghiêng thơ mộng bên rừng phi lao chắn sóng. Mặc dù một số người nhận xét rằng cát ở bãi Đá Đen không đẹp bằng cát ở bãi biển Trà Cổ, tuy nhiên, đây vẫn là một bãi tắm khá lý tưởng. Sau khi tắm biển và thỏa sức chụp ảnh tại bãi Đá Đen, du khách có thể lên rừng phi lao mắc võng nằm thư giãn hoặc vào những khu nhà lá do các hộ kinh doanh ở đây dựng lên cùng nhâm nhi ly nước dừa mát lạnh. Còn ai có thú vui câu cá thì bãi Đá Đen cũng là địa điểm rất đáng để lựa chọn tham khảo. Bởi theo người dân địa phương, ở khu vực này có rất nhiều loại cá và chỉ cần thả mồi một lúc là cá cắn câu.
Trong hành trình khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc, bãi Đá Đen sẽ là một điểm đến thú vị mà du khách nên ghé qua. Điểm đến này cũng khá thuận tiện khi du khách có thể kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng ở Móng Cái như mũi Sa Vĩ, đình Trà Cổ và bãi biển Trà Cổ…
Mũi Sa Vĩ
Đến Sa Vĩ có hai điểm mà hầu như ai cũng thích thú chụp ảnh, đó là chỗ dưới tấm biển hình lá cây dương và cột mốc một mặt có ghi Tràng Vĩ 0 km, mặt kia đề từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3.260 km. Vừa qua Sa Vĩ đã khánh thành khu nhà trưng bày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Khu nhà cũng được thiết kế theo hình những chiếc lá dương biển rất độc đáo. Đây không chỉ là điểm dừng trú mưa, trú nắng, giải khát mà còn là nơi ngắm toàn cảnh Mũi Sa Vĩ từ trên cao. Đồng thời du khách tới đây còn được xem những tấm ảnh cỡ lớn thể hiện văn hóa đặc trưng các vùng miền.
Chưa hết, ở vùng đất Móng Cái này vẫn còn một dải đất khác rất thú vị và tươi đẹp mang tên Mũi Ngọc. Theo lời một đồng chí ở trạm kiểm soát biên phòng Mũi Ngọc thì đây chính là dấu chấm đầu tiên trên con đường duyên hải dọc bờ biển Việt Nam.
Tuyến đường duyên hải dài hơn 3.000 km này lấy Mũi Ngọc là điểm bắt đầu và kết thúc ở Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Xét về góc độ du lịch, Mũi Ngọc còn nguyên vẻ hoang sơ của một vùng biển chưa được khai thác.
Từ con đường đất chạy từ trung tâm phường Bình Ngọc, Móng Cái ra Mũi Ngọc rợp bóng cây dương biển. Nhiều đoạn vẫn còn đường đất pha cát nguyên vẻ hoang sơ, thanh bình của miền biển ít ai khám phá.
Mũi Ngọc quyến rũ bởi những bãi cát trắng chạy dài cùng làn nước biển trong vắt. Ở đây có hai khu rất lý tưởng cho người đi tắm biển đó là bãi Đá Đen Một và Đá Đen Hai – những bãi đá cổ với những hình thù kỳ quái.
Mái đình làng biển Trà Cổ
Đình Trà Cổ có niên đại khoảng 600 năm với diện tích hơn 1.000 m2, được ví như "cột mốc văn hóa vùng biên ải" thu hút du khách thập phương.
Đình Trà Cổ nằm ở Nam Thọ, thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đình xây dựng từ thời Hậu Lê (năm 1461), quá trình hình thành và tồn tại của ngôi đình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của con người, vùng đất địa đầu tổ quốc.
Truyền thuyết về đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết "người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn". Các bậc cao niên trong làng kể lại rằng, vào thời Hậu Lê (năm 1461), trong một lần sóng to gió lớn, 12 gia đình ngư dân người Đồ Sơn (Hải Phòng) trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, 6 gia đình tìm cách quay về quê cũ, 6 gia đình còn lại bám đất, xây dựng vùng quê mới. Thuở ban đầu chỉ có 6 ngôi nhà đơn sơ, lâu dần nơi đây trở thành một xóm trù phú cho đến ngày nay. Cái tên làng Trà Cổ lấy từ hai chữ cái đầu tiên của quê cũ là Trà Phương và Cổ Trai.
Nói về quá trình hình thành ngôi đình Trà Cổ, các bậc cao niên kể rằng, vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461), dưới triều vua Lê Thánh Tông, đình bắt đầu được xây dựng. Đình thờ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn lập làng. Vua Lê Thánh Tông rất chú trọng đến vấn đề chủ quyền biên giới. Việc xây dựng ngôi đình nơi vùng biên ải là quyết định của triều đình lúc bấy giờ. Đây là nơi thờ thần, sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi các quan triều đình nghỉ ngơi khi đi du ngoạn.
Nằm ngay cửa biển, trải qua bão tố, mưa dông, thăng trầm của lịch sử và những lần trùng tu đình Trà Cổ vẫn sừng sững hiên ngang, giữ nguyên nét đặc trưng của kiến trúc đình làng quê Bắc Bộ. Mái đình làng biển có kiến trúc theo lối chữ "đinh", mặt quay về hướng Nam. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái bái đường, hậu cung có 3 gian. Mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng giữa biển khơi. Điểm hấp dẫn và độc đáo của đình Trà Cổ là ở bộ hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng với ý nghĩa răn dạy con cháu.
Nhà thờ Trà Cổ
Nhà thờ Trà Cổ còn có tên gọi khác là nhà thờ Tràng Lộ. Tên gọi này xuất phát từ địa danh nơi nhà thờ được xây dựng là khu Tràng Lộ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đẹp, quy mô và mang đậm dấu ấn của thời gian, lịch sử.
Từ thế kỉ 19, nhà thờ đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu tôn giáo khi ngày càng có nhiều gia đình công giáo ra sinh sống tại khu vực Trà Cổ, khiến số lượng giáo dân tại đây tăng lên. Ban đầu đơn sơ, sau đó nhà thờ Trà Cổ được xây dựng quy mô hơn vào năm 1880. Đến năm 1979, do sự tàn phá của chiến tranh, nhà thờ đã bị hư hỏng. Năm 1995, nhà thờ Trà Cổ đã được nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo lại… Qua nhiều lần sửa chữa, xây dựng, nhà thờ Trà Cổ có diện mạo khang trang, kiến trúc đẹp.Nhà thờ Trà Cổ trước có diện tích trên 12.000 m2, quay về hướng Nam, được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic với nhiều mái vòm nhọn, hướng lên bầu trời. Mặt trước nhà thờ được thiết kế nhô lên với tháp chuông cao vút, mái tôn nhọn, khung cửa hình vòm. Hai bên mái được gắn nhiều bức phù điêu với họa tiết hoa văn uốn lượn.Bên trong giáo đường được thiết kế hài hòa với hoa văn trang trí điêu khắc trên gỗ, mang dáng dấp của nền văn hóa bản địa. Hai bên mặt trong của giáo đường có gắn 14 đàng thánh giá, miêu tả về cuộc đời của chúa Jesu. Tại đây còn lưu giữ được một quả chuông đồng có niên đại trên 80 năm tuổi.
Cửa khẩu Móng Cái
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là một trong những cửa khẩu giao thương biên giới với Trung Quốc được xây dựng sớm. Đây không chỉ ghi dấu sự đổi mới, quá trình phát triển mà còn là điểm đến ghi dấu ấn lịch sử.Nằm trên tuyến đường đẹp trên địa bàn phường Hoà Lạc (TP Móng Cái), hiện nay cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Khu cửa khẩu hiện nay gồm tổng thể không gian với diện tích là 1.587ha, gồm: Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân, cầu Bắc Luân và cột mốc 1369.
Điểm tới tham quan đầu tiên là Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân. Công trình này liên tục được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang. Năm 1991, công trình được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích khuôn viên hơn 9.400m2. Sau đó, công trình được đầu tư nâng cấp vào tháng 9/2007 với tổng giá trị đầu tư gần 19,7 tỷ đồng. Tiếp đó, vào năm 2016, nhà cửa khẩu tiếp tục được trung ương cấp vốn đầu tư cải tạo, mở rộng với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
Nhờ đó, diện mạo Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân ngày càng khang trang, đẹp hơn, gồm tầng làm việc của cơ quan chức năng và khu tầng 1 có trạm cân điện tử, lối cho xe qua lại, khu cửa nhập cảnh và cửa xuất cảnh với 6 luồng kiểm soát mỗi bên.
Đặc sản Trà Cổ, Quảng Ninh
Ghẹ Trà Cổ
Ghẹ Trà Cổ bao gồm 4 loại là ghẹ xanh, ghẹ đốm, ghẹ lửa và ghẹ ba chấm. Vì được đánh bắt tự nhiên nên loại ghẹ nào cũng có vị ngon tự nhiên, nhiều dinh dưỡng. Nhưng với những người sành ăn thì ghẹ xanh là ngon nhất. Thịt của ghẹ xanh khi chế biến cũng có mùi thơm và giá trị dinh dưỡng nhiều hơn.
Sá sùng
Sá sùng là một loại thực phẩm quý hiếm, xưa kia là vật phẩm để đem tiến vua bởi đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ngày nay, sá sùng thường được tìm thấy ở Móng Cái, Vân Đồn.
Sá sùng có vẻ bề ngoài nhìn không mấy thiện cảm vì giống với các loại giun, nhưng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao, chỉ cần biết cách chế biến thì sẽ gây nghiện. Sá sùng hay được nấu với nước phở, bún để tăng thêm hương vị hoặc mang ra nướng hoặc xào.
Cù kỳ
Cù kỳ Móng Cái là một đặc sản không thể bỏ qua khi đi du lịch Trà Cổ. Đây là một loại thuộc họ cua nhưng to hơn và chân có nhiều lông. Thịt cù kỳ chắc, thơm, có thể chế biến được nhiều món ăn rất ngon miệng như bún cù kỳ, bánh đa cù kỳ, miến cù kỳ, cù kỳ hấp, cù kỳ rang muối, cù kỳ rang me….
Sam biển
Trong danh sách đặc sản Móng Cái không thể không nhắc tới sam biển. Sam chỉ sống được trong điều kiện tự nhiên nên loại hải sản này càng trở nên quý hiếm. Các món ăn từ sam biển rất thơm ngon, lạ miệng và bổ dưỡng, trong đó có thể kể đến gỏi sam, sam bao bột rá, sụn sam nướng, sam xào sả ớt, chân sam xào chua ngọt, tiết canh sam…
Cá chình
Cá chình cũng là một trong các món đặc sản Móng Cái mà bạn nên thưởng thức khi tới đây du lịch. Đây là loài cá sinh sống ở tầng nước sâu dưới đáy biển. Cá chình thường được hấp xì dầu để giữ độ tươi ngọt.