Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 30/10/2024, 16:17 (GMT+7)

Nhiều thủ đoạn tinh vi, phù phép hàng giả, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng

Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây vẫn tiếp tục “nóng”, tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây thiệt hại lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

“Hô biến” hàng giả thành hàng được bảo hộ

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên chuyển giao, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.

Trước đó, ngày 17/5/2024, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) phát hiện 2 kho hàng hóa chứa các can nước giặt ghi nhãn hiệu D-nee, nước xả vải ghi nhãn hiệu Hygiene, nước rửa chén ghi nhãn hiệu Tauau và nhiều loại máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, tem nhãn, bao bì… dùng để pha chế, sản xuất các loại nước giặt, nước xả, nước rửa chén nói trên.

Qua điều tra xác minh xác định, toàn bộ số hàng hóa là các can nước giặt ghi nhãn hiệu D-nee, nước xả vải ghi nhãn hiệu Hygiene, nước rửa chén ghi nhãn hiệu Tauau là hàng giả, do Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ H.V sản xuất.

giaythethao
Hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được cất giữ tại thôn Trung Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tiếp đến, ngày 21/8, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát hiện tại kho hàng hóa của ông N.V.T tại thôn Trung Châu (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) có 7.070 đôi giày thể thao gắn nhãn hiệu NIKE, 170 đôi giày thể thao gắn nhãn hiệu ADIDAS và nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, tem nhãn… dùng để sản xuất giày thể thao. Kết quả xác minh xác định toàn bộ số giày thể thao là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, do ông N.V.T mua các loại máy móc, nguyên phụ liệu, tem nhãn,… về tổ chức sản xuất.

Không chỉ trên địa bàn Hưng Yên, hàng loạt vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được lực lượng chức năng phát hiện gần đây trên cả nước. Đơn cử, tại Hải Phòng, qua quá trình theo dõi, thu thập thông tin trên môi trường mạng xã hội Facebook, ngày 18/10, Đội QLTT số 7, Cục QLTT TP Hải Phòng đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an quận Ngô Quyền tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng (có địa chỉ tại phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng).

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh đã thực hiện việc đăng tải hình ảnh, giới thiệu về sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Dior, Louis Vuitton (LV)... trên trang facebook mang tên Tùng Gucci (Lê Văn Tùng) tại địa chỉ: "http://www.facebook.com/tung.gucci.927/".

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ hơn 700 sản phẩm thời trang gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi, ví nam các loại mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Gucci, Burberry, Dior, Louis Vuitton (LV), Hermes, Nike, Adidas có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 460 triệu đồng.

yenchung
Phát hiện hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dán nhãn của các nhãn hàng khác tại Hà Nội. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tương tự, tại Hà Nội, ngày 21/10, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh do bà D.T.L đứng tên, tại lô C53-04 (Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông). Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 93.000 hũ yến chưng dán nhiều nhãn mác khác nhau. Trong đó có 18.165 hũ yến chưng dán tem nhãn yến chưng Minh Gia Bảo, 5.670 hũ yến chưng dán tem yến chưng Trí Việt, 69.510 hũ yến chưng chưa dán tem nhãn và hơn 5kg nhãn mác Công ty TNHH Yến Trí Việt. Đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Còn tại Thái Bình, ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cũng đã ban hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà N.T.H.V, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu T.V (huyện Kiến Xương) về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do Cục QLTT tỉnh Thái Bình chuyển giao.

hanghoa
Hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được cất giữ tại xưởng may và kho hàng của Công ty TNHH may xuất khẩu T.V. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Theo đó, trong các ngày 20/9 - 21/9/2024, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Thái Bình) phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Thái Bình) kiểm tra xưởng may T.V thuộc Công ty TNHH may xuất khẩu T.V (địa chỉ tại xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) và khám kho hàng của công ty này.

Kết quả kiểm tra và khám kho hàng của doanh nghiệp phát hiện, có 2.180 đơn vị sản phẩm quần áo mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 1.230 chiếc áo khoác cùng chủng loại và 950 chiếc quần nối ống cùng chủng loại.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại xưởng may của công ty đang cất giữ 639 chiếc tem rời bằng bìa giấy; 2,2 kg dây đeo kéo khóa màu đen mang dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà N.T.H.V , Giám đốc Công ty khai nhận, đã thực hiện việc mua nguyên vật liệu, tem rời bằng giấy, dây đeo tai kéo khóa màu đen trôi nổi ngoài thị trường, sau đó thuê người thêu dấu hiệu THE NORTH FACE trên áo để sản xuất. Bà N.T.H.V không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hay bất cừ tài liệu gì kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên.

Ngày 27/9/2024, căn cứ văn bản trả lời của công ty luật TNHH Quốc tế BMVN là đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu “THE NORTH FACE”, Đội QLTT số 5 đã xác định Công ty TNHH may xuất khẩu T.V do bà N.T.H.V làm Giám đốc đã có hành vi vi phạm sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Cùng ngày, kết quả xác minh xác định, tổng trị giá của lô hàng hóa vi phạm là hơn 650 triệu đồng…

Tăng chế tài xử phạt, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp

Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá tại các tỉnh, thành phố, không khó để tìm mua các loại hàng hoá có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia.

Trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Cá biệt, có những mặt hàng giả các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý có điều kiện của Nhà nước như pháo hoa cũng bị làm giả và bán công khai trên các hội nhóm mạng xã hội, ông Đặng Văn Dũng thông tin thêm.

Ngoài các địa điểm kinh doanh truyền thống, không ít đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp với diễn biến ngày càng phức tạp.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những lý do gây trở ngại cho công tác xử lý hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ, khiến cho tình trạng này tiếp diễn, gia tăng là do mức xử phạt còn nhẹ trong khi lợi nhuận từ hành vi vi phạm lớn nên chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, hầu hết các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ hiện chỉ dừng lại ở mức xử phạm hành chính. Ở Việt Nam hiện cũng chưa có tòa án chuyên trách xét xử các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên rất khó xác định một cách chính xác và đầy đủ tội danh và mức xử phạt…

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ kịp thời và chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thậm chí, kể cả khi phát hiện hàng hoá của mình bị xâm phạm, các doanh nghiệp lại ngại cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, và doanh thu bán hàng.

Thông tin trên báo chí, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục QLTT Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, xác định có hay không hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; bên cạnh đó giám sát các hoạt động này tại các trang mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế.

Đồng thời, Cục kiến nghị bổ sung kinh phí và hậu cần phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, như mua sắm trang thiết bị hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản tang vật, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng; phân công quản lý các cơ sở kinh doanh, địa bàn, lĩnh vực gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Để đấu tranh hiệu quả với các hành vi cố tình xâm phạm sở hữu trí tuệ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông tin, thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm để bảo đảm việc điều tra, xử lý được kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, khuyến khích nhân dân tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong chống hàng giả. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và loại bỏ tâm lý e ngại khi đấu tranh với hàng giả.

Cùng chuyên mục