Người quản lý tiền trong gia đình có cần ghi chép lại chi tiêu? Nên ghi thế nào cho đúng?
Nhiều người cho rằng, muốn quản lý tài chính gia đình tốt thì cần phải ghi chép tỉ mỉ chi tiêu mỗi ngày, nhưng một số khác lại thấy thật phiền phức khi ghi chép
Như bao người phụ nữ khác, sau khi kết hôn Hà Anh (27 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) được nhận trọng trách “tay hòm chìa khóa”, quản lý tài chính gia đình nhỏ của mình.
Năm đầu kết hôn vì bỡ ngỡ lại nghiền mua sắm nên việc chi tiêu của gia đình Hà Anh luôn âm, đã không để được ra đồng nào mà còn tiêu thêm vào “của hồi môn” bố mẹ cho khi cưới.
Không khéo vun vén chi tiêu cho gia đình nên Hà Anh được liệt vào danh sách “vợ đoảng”, không thể quản lý chi tiêu hợp lý.
Muốn giúp vợ biết cách quản lý tài chính gia đình tốt hơn, chồng Hà Anh bảo cô phải ghi chép các khoản đã chi tiêu trong ngày để theo dõi.
Lúc đầu Hà Anh cũng ghi chép cho chồng vừa lòng nhưng khi chồng cô kiểm tra thì anh thấy cách ghi của cô không đủ tỉ mỉ, chưa rõ ràng nên khó quản lý.
Việc chồng bắt phải ghi thật chi tiết từng khoản nhỏ khi chi tiêu khiến Hà Anh bực tức: “Tôi cảm thấy chồng tôi không tin tưởng vợ, sợ vợ cầm tiền tiêu việc riêng. Tôi không thể nào ghi tỉ mỉ việc mua cọng hành, củ tỏi hay những đồ dùng cá nhân dành cho phụ nữ. Chúng tôi đã xảy ra mâu thuẫn trong quản lý tài chính gia đình”.
Gặp những bà “vợ đoảng” như Hà Anh thì các ông chồng phải đứng ra đảm nhận trọng trách quản lý tài chính gia đình. Và khi đó, một số ông chồng “tay hòm chìa khoá” bị đánh giá là chi li như đàn bà, điều đó là không cần thiết.
Vậy người quản lý tài chính gia đình tốt có nhất thiết phải ghi chép tỉ mỉ việc chi tiêu?
Trả lời vấn đề này ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên gia tài chính cá nhân, nhà sáng lập "Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam VWA" chia sẻ, cách quản lý tài chính gia đình bằng việc ghi chép tỉ mỉ từng khoản chi tiêu là phương pháp mang tính truyền thống.
Cách làm này đặt nặng vấn đề tiết kiệm và cho rằng chỉ cần tiết kiệm triệt để thì sẽ mang lại tài chính tốt. Cách quản lý tài chính gia đình như vậy không sai nhưng chưa đủ.
Bởi “với phương pháp tài chính cá nhân tiên tiến mà chúng tôi đang áp dụng trong thực tế với hàng nghìn khách hàng thì trụ cột đầu tư là quan trọng và sẽ mang lại tài chính ổn định.
Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn khách hàng cách quản lý một cách tự động vấn đề này mà không cần phải mất thời gian.
Bạn có thể ghi lại 1 lần để biết mình chi tiêu như thế nào, đưa ra một giới hạn theo % thu nhập.
Tuy nhiên từ tháng sau bạn có thể tự động trích ra số % đó cho chi tiêu, phần còn lại cho đầu tư. Nếu vượt thì cần xem lại và cân đối, nếu thừa bạn có thể trích ít hơn. Làm như vậy sẽ rất giản tiện” - chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn hướng dẫn.
Vị chuyên gia tài chính này cũng khuyên rằng, trước khi về ở chung một nhà các cặp vợ chồng sắp cưới nên có sự thỏa thuận trước về quản lý tài chính gia đình để tránh xảy ra mâu thuẫn.
“Ở phương Tây các cặp vợ chồng thường có hợp đồng tiền hôn nhân để phân định về tài sản trước khi về chung một nhà. Tuy nhiên tài chính là một chủ đề khá nhạy cảm, ít được đề cập và coi trọng.
Đây là vấn đề thuộc về dân trí tài chính là một chủ đề lớn và cần thời gian để áp dụng tại các quốc gia Á Đông.
Theo quan điểm của tôi, dù có thể chưa có những hợp đồng như phương Tây, nhưng trong thời gian tìm hiểu, hai bên nên có những thoả thuận để tìm kiếm sự phù hợp về vấn đề tài chính trước hôn nhân” – ông Tuấn nêu quan điểm.
- 4 cách đặt mục tiêu tài chính cá nhân hiệu quả trong quản lý chi tiêu
- Làm cách nào để tiết kiệm tiền và cân bằng chi tiêu?
- Lương 5 triệu chi tiêu như thế nào để tiết kiệm hiệu quả nhất?