Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 29/08/2023, 11:30 (GMT+7)

Vu Lan bàn chuyện dạy con chữ hiếu!

Một mùa Vu Lan nữa lại đến, đây là dịp để mọi người bày tỏ lòng tưởng nhớ, đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Với ý nghĩa nhân văn to lớn đó, lễ Vu Lan đã lan rộng, trở thành ngày lễ báo hiếu cha mẹ của người dân Việt.

Nhân dịp này, phóng viên tạp chí Tiếp thị & Gia đình đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, cựu Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội về việc dạy các con biết báo hiếu và biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ. Cuộc trò chuyện thú vị này có thể sẽ giúp nhiều người có cái nhìn mới về dạy con chữ hiếu.

- Xin chào Tiến sĩ Vũ Thu Hương, qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc cùng với các con và các bậc phụ huynh, theo chị, thế nào là một người con có hiếu?

Có hiếu là một phạm trù không rõ ràng, đôi khi chạy theo quan niệm của từng người, từng thế hệ. Thực sự nếu nghĩ đích cao nhất của con người là hạnh phúc thì người con có hiếu là người sẽ đem lại hạnh phúc cho bố mẹ bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Khi còn nhỏ, đứa trẻ không làm cha mẹ phải phiền lòng về các hành vi xấu, biết nghĩ, biết chia sẻ cảm xúc và cả vật chất với bố mẹ của mình đã được coi là có hiếu.

photo-1-1599213157934967725906
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: Nhịp sống Việt

Khi lớn lên, đặc biệt sau khi ra đời, có nhiều mối quan tâm khác, niềm vui khác, những đứa con vẫn nghĩ về cha mẹ, giải tỏa áp lực, lo âu, tìm niềm vui cho bố mẹ và bỏ công chăm sóc bố mẹ sẽ được gọi là người con có hiếu.

Tuy vậy, xét đi cũng phải xét lại, nếu các đòi hỏi của cha mẹ trở nên quá quắt, chữ hiếu có thể biến thành gánh nặng cho con cái, thành trở ngại để người con tìm thấy hạnh phúc của chính mình.

- Chị nghĩ sao về câu chuyện con cái cãi cha mẹ?

Trong cuộc sống có quá nhiều vấn đề mà nhìn theo từng con mắt đánh giá của từng người, đôi khi cha mẹ không theo kịp xu thế thời đại hoặc chưa thực sự hiểu tâm sinh lý của con, hay họ là những người gia trưởng, những sự can thiệp của người đi trước sẽ gây áp lực cho thế hệ trẻ.

Cãi là phạm trù có 2 ý nghĩa: Hoặc là tranh luận để tìm đến phương thức giải quyết vấn đề hợp lý nhất hoặc là mâu thuẫn, xung đột. Nếu cãi là mâu thuẫn thì nên tránh càng tuyệt đối càng tốt. Còn nếu là tranh luận để tìm ra các phương thức giải quyết vấn đề thì rất cần thiết. Khi đó cha mẹ cần có góc nhìn khách quan và lắng nghe chăm chú để không gây ra những áp lực không cần thiết đến con em mình.

Trong những trường hợp thế hệ trẻ có quyết định hợp lý, người làm cha mẹ phải chấp nhận sự khác biệt và những quyết định của con cho chính các vấn đề mà người con đang đối mặt. Số phận của họ nằm trong tay họ, tuyệt đối không được sử dụng quyền làm cha mẹ để áp đặt suy nghĩ và hành vi cho thế hệ con cái của mình.

- Theo chị, trong thời đại ngày nay, phải dạy con về chữ hiếu như thế nào?

Giáo dục giá trị đạo đức cho trẻ mà rao giảng bằng ngôn ngữ giáo điều sẽ gây phản cảm và dễ tạo ra tác dụng ngược. Giáo dục giá trị đạo đức nên bắt đầu từ các hành vi thật nhỏ.

Ngay trong bữa ăn, nếu cha mẹ chia phần thức ăn đều cho tất cả mọi người, những đứa trẻ cũng hiểu rằng cha mẹ mình cũng có nhu cầu như mọi người. Việc san sẻ thức ăn, các quyền lợi cho người lớn chứ không có ưu tiên ai là điều mà trẻ sẽ học được.

Vào mâm, người lớn tuổi nhất cầm đũa ăn miếng đầu tiên rồi mới đến lượt người khác là 1 nguyên tắc khiến trẻ hiểu nề nếp trong gia đình. Các bạn đỡ ăn thùng uống vại, đỡ vô lễ vô phép tắc trước mặt người lớn.

Các trách nhiệm trong gia đình nên được chia đều cho tất cả mọi thành viên. Trẻ cần học kĩ năng sống và cũng cần học cách sống có trách nhiệm với tập thể.

le-vu-lan-bao-hieu-16928649462931124382194
Ảnh minh họa

Chính cách chia đầu việc thế này giúp trẻ hiểu hơn và không coi cha mẹ như người giúp việc của mình.

Cha mẹ cần biết từ chối những yêu cầu quá quắt của trẻ. Trong mắt con, cha mẹ cần có cái uy nhất định. Chính việc từ chối các yêu cầu không hợp lý đã giúp trẻ hiểu hơn giá trị của cha mẹ.

Khi trẻ bé, người lớn chào để bọn trẻ học được thói quen chào hỏi. Sau khi các con đã thành thạo, người lớn yêu cầu trẻ chào người lớn trước cũng là cách khiến các con hiểu vị thế của người lớn trong gia đình.

Khi ốm mệt, cha mẹ nên yêu cầu con có các hành động chăm sóc, lo lắng, giúp đỡ cha mẹ. Đứa trẻ sẽ tập làm quen với các trách nhiệm chăm sóc người khác, đặc biệt là cha mẹ mình.

Bản thân cha mẹ cũng nhất thiết phải bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của mình với ông bà (người sinh thành ra họ). Những bài học từ tấm gương bao giờ cũng rất giá trị với trẻ nhỏ.

- Nhiều người nghĩ tặng bố mẹ món quà có giá trị vào dịp lễ Vu Lan mới là người con có hiếu, chị nghĩ gì về quan điểm này?

Tặng quà cho người khác vui lòng là một hành vi rất đẹp. Tuy nhiên, chúng ta không nên biến nó thành một thông lệ khắc nghiệt. Điều đó sẽ khiến mọi người thêm áp lực và cảm thấy mệt mỏi với trách nhiệm trong mùa Vu Lan.

Vì thế, theo tôi, hãy để trẻ tự cảm thấy mong muốn thể hiện tình yêu của mình với cha mẹ trong mùa Vu Lan dưới rất nhiều các hình thức khác nhau. Khi đó, chữ HIếu sẽ đến được với từng thành viên trong gia đình.

- Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, chị có nhắn nhủ với những bậc làm cha mẹ trong hành trình nuôi dạy con nói chung và dạy con về chữ hiếu nói riêng?

Gia đình tuyệt đối đừng quên giá trị của mùa Vu Lan trong việc giáo dục trẻ. Hãy nhân dịp này tổ chức các hoạt động sinh hoạt trong gia đình để những đứa con có thể cảm nhận được niềm vui và trách nhiệm của mình với ông bà, cha mẹ. 

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

Cùng chuyên mục