Thứ hai, 25/03/2024, 11:43 (GMT+7)

Lương 50 triệu bỏ ống 1 nửa và lời khuyên 'chỉ tiết kiệm không đủ giúp bạn giàu có'

Hà Vy (Theo Vietnam Finance)

Quản lý tài chính là việc mà người Việt xưa nay tự học để làm và buộc phải tự làm vì chúng ta chưa từng có một chương trình giáo dục tài chính nào cho thế hệ từ 7x, 8x hay thậm chí là cả 9x. Chính vì vậy, không ít người loay hoay trong việc quản lý tài chính cá nhân, chẳng hạn như lựa chọn giữa việc tăng cường tiết kiệm hay tập trung vào đầu tư.

Theo quan niệm của nhiều người Việt, tiết kiệm là một trong những cách nhanh nhất để tạo dựng sự giàu có. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc tiết kiệm chỉ để không nghèo đi. Thay vào đó, chỉ có đầu tư, gia tăng thu nhập bằng nhiều nguồn mới có thể giúp chúng ta hướng đến sự tự do tài chính.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Uyên, Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, cho biết tùy theo từng giai đoạn mà chúng ta nên lựa chọn tập trung vào tiết kiệm hay tập trung vào gia tăng hiệu suất tăng trưởng tài sản.

Lương 50 triệu bỏ ống 1 nửa và lời khuyên 'chỉ tiết kiệm không đủ giúp bạn giàu có'
Lương 50 triệu bỏ ống 1 nửa và lời khuyên 'chỉ tiết kiệm không đủ giúp bạn giàu có'

“Thông thường, cuộc đời mỗi người sẽ đi qua 3 giai đoạn tài chính khác nhau, bao gồm tích lũy tài chính, tăng trưởng tài sản và quản trị rủi ro và cuối cùng là phân bổ tài sản”, bà Uyên cho hay.

Ba giai đoạn tài chính này diễn ra trong các giai đoạn cuộc đời khác nhau. Nếu như giai đoạn tích lũy tài chính bắt đầu từ những năm 20 tuổi – thời điểm thu nhập và tài sản ròng thấp đến năm 50 tuổi – khi thu nhập và tài sản ròng lớn thì giai đoạn tăng trưởng tài sản và quản trị rủi ro lại thường bắt đầu vào cuối những năm 20 - 60 tuổi. Còn lại, giai đoạn phân bổ tài sản là giai đoạn nên bắt đầu từ năm 45 tuổi.

Ở giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tích lũy tài sản, thông thường là giai đoạn đi từ thu nhập thấp đến thu nhập cao. Trong quá trình tăng trưởng thu nhập đó, mức tiết kiệm cũng nên tăng dần theo.

Bước sang giai đoạn tiếp theo, mức tăng trưởng thu nhập sẽ tăng chậm lại sau khi đã đạt mức cao. Khi đó, chúng ta cũng đã tích lũy được một lượng tài sản nhất định. Đây cũng là lúc chúng ta có nhiều trách nhiệm tài chính hơn sau khi lập gia đình.

Sang giai đoạn trung niên, chính là giai đoạn chúng ta nên dừng cố gắng tiết kiệm mà nên tập trung gia tăng hiệu suất tăng trưởng tài sản. “Bởi lúc này,đối với nhiều người việc cố gắng tăng thêm 10% tiết kiệm không hiệu quả bằng tăng 2% hiệu suất đầu tư của tổng tài sản”, Ms Nguyễn Thị Thu Uyên nhận định.

Tuy nhiên, theo bà Uyên, trước khi chuyển từ “tối đa tiết kiệm” sang “tối ưu tăng trưởng”, chúng ta cần phải có kế hoạch dự phòng và bảo vệ tài chính, bao gồm khoản tiết kiệm dự phòng tài chính tương ứng 3 - 6 tháng chi tiêu của gia đình và bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột tài chính.

Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng đạt mức tối ưu và phù hợp với mức chung, cụ thể: với nguồn thu nhập và người phụ thuộc tỷ lệ 1:1 thì mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng tiết kiệm 20%, thu nhập 20-50 triệu đồng/tháng tiết kiệm 30%. thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng tiết kiệm 30-50%. Đồng thời, tổng giá trị tài sản đang sở hữu lớn hơn từ 10 lần khoản tiết kiệm hàng năm.

Cùng chuyên mục