Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 23/05/2024, 05:43 (GMT+7)

Loạt cơ sở kinh doanh phân bón không phép bị phát hiện, quy định pháp lý sao?

Kinh doanh phân bón không phép sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng; trong khi đó, kinh doanh phân bón chưa đủ điều kiện lưu hành thì bị phạt 50 - 60 triệu đồng.

Hàng loạt cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm bị xử lý

Quy định về các điều kiện đối với hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón đã có, nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra thường xuyên. Thực tế, mới đây cơ quan chức năng đã xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến kinh doanh phân bón giả, kinh doanh phân bón không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phân bón chưa được phép và chưa đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam…

Đơn cử, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), qua công tác quản lý địa bàn, mới đây, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 49 triệu đồng đối với 3 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phép tại xã Ia Kriêng, Ia Kla và thị trấn Chư Ty huyện Đức Cơ.

Cụ thể, các hành vi vi phạm gồm: Buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

phanbon1
Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường.

Ngày 24/4, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp K.T, do ông T.Q.K làm chủ với số tiền phạt là 50,4 triệu đồng đối với hành vi vi phạm là buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Trước đó, ngày 10/4, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long kiểm tra, tiến hành lấy một mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng, cụ thể là: Phân bón hỗn hợp NP 23-23-0, số lượng 16 bao (loại 50 kg/bao), ngày sản xuất: 16/3/2024, hạn sử dụng: 36 tháng, giá bán niêm yết tại hộ kinh doanh là 650.000 đồng/bao, trị giá hàng hóa là 10,4 triệu đồng.

Căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ đối chiếu với quy định tại Nghị định 84/2019/NĐ-CP, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có thể xác định đây là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do hàm lượng lân hữu hiệu chỉ đạt 3,304%). Do lô hàng lấy mẫu hộ kinh doanh đã bán hết cho người dân nên bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tương đương với giá trị hàng hóa đã tiêu thụ là 10,4 triệu đồng.

Tương tự, ngày 3/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp các đơn vị nghiệp vụ, chính quyền địa phương và Công an huyện Hàm Tân chia làm 3 tổ công tác, đồng loạt khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời. Ba điểm này có địa chỉ tại trụ sở Công ty TNHH Hasa Mặt trời; tại kho hàng của công ty nằm trên Quốc lộ 55 thuộc thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân và tại một cơ sở kinh doanh các loại phân bón của doanh nghiệp này tại thôn An Vinh, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, thông tin trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Thuận cho hay.

Được biết, Công ty TNHH Hasa Mặt Trời này do bà Huỳnh Thu Hà (sinh năm 1990, trú tỉnh Đồng Tháp) làm Giám đốc. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Tân Việt (sinh năm 1972, trú An Giang). Cả hai người hiện tạm trú tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.

phanbon3
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận phát hiện, thu giữ trên 3.000 bao phân hữu cơ chưa được phép lưu hành liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt trời. Ảnh: Công an tỉnh Bình Thuận.

Qua quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ trên 3.000 bao phân bón hữu cơ thành phẩm, có tổng trọng lượng hơn 122 tấn; 804 can dịch cá thủy phân với số lượng hơn 4.000 lít; gần 400 thùng dung dịch đạm cá hữu cơ với số lượng hơn 8.000 lít; 43 bao phân gà ủ với tổng trọng lượng hơn 1,7 tấn và một số chủng loại, sản phẩm phân bón khác… Theo cơ quan công an, các sản phẩm phân bón trên chưa được phép, chưa đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty Hasa Mặt Trời chưa xuất trình đủ các loại giấy tờ có liên quan đến việc đăng ký thương hiệu, lưu hành hàng hoá được cấp bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.

Vi phạm quy định về kinh doanh phân bón, xử phạt thế nào?

Điều 9 Luật Trồng trọt năm 2018 liệt kê các hành vi cấm cá nhân, tổ chức thực hiện, bao gồm: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc…

Bên cạnh đó, Điều 36 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 42 Luật Trồng trọt 2018, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Cùng đó, Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 cũng quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm: Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định. Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

Trong khi đó, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định giấy phép kinh doanh gồm: Giấy phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; văn bản xác nhận; vác hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thì hành vi hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Tiếp đó, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định, vi phạm quy định về buôn bán phân bón (trừ hoạt động nhập khẩu phân bón), hành vi buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón cũng bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Đồng thời, phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Ngoài ra, hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu phân bón thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Mặt khác, căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP), trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi (Điều 5 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP).

Cùng chuyên mục