Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 10/08/2023, 09:21 (GMT+7)

Lãi suất giảm, chứng khoán có đi lên?

Lãi suất ngân hàng liên tục giảm. Điều này có giúp thị trường chứng khoán thăng hoa? Tạp chí Tiếp thị và Gia đình đã có buổi trao đổi với ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á để giúp nhà đầu tư làm rõ vấn đề này.

Thưa ông, lãi suất cho vay gần đây liên tục giảm. Trong nửa đầu năm 2023, theo NHNN, lãi suất cho vay đã giảm 3%. Điều này tác động thế nào đến đà tăng của TTCK hiện nay?

- Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với lãi suất. Với sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang quay trở lại tương ứng với thời kỳ 2020-2021, tác động tích cực lên thị trường chứng khoán ở hai góc độ.

Thứ nhất, khi lãi suất vay giảm, chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm đi hay nói cách khác lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng, thị trường kỳ vọng cổ phiếu tăng giá tương ứng với lợi nhuận doanh nghiệp. Thứ hai, về phía lực cầu, mặt bằng lãi suất giảm làm cho chi phí cơ hội của vốn giảm, mà người ta hay nói “tiền rẻ”. Dòng tiền tham gia tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán tăng lên, lực cầu mới này đẩy giá cổ phiếu lên mặt bằng mới. Điển hình vừa qua thanh khoản thị trường tăng rất cao, có bóng dáng của dòng tiền mới tham gia thị trường.

Để giúp TTCK tăng bền vững, theo ông, ngoài yếu tố lãi suất cho vay giảm thì cần có những yếu tố nào khác?

- Lãi suất cho vay giảm là điều kiện có lợi cho thị trường chứng khoán, một cách rõ nghĩa hơn thì có lợi cho hầu hết các doanh nghiệp. Vì chi phí vốn lúc này rẻ, kích thích hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… Từ đó sinh ra lợi nhuận và chỉ số VN- Index phản ánh nội tại nền kinh tế cũng sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn.

Ngoài ra, còn có nhiều lợi ích khác như giúp tín dụng tăng trưởng vì lúc này nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ nhiều hơn. Đã có những sự tương quan về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP trong thời kỳ lãi suất thấp 2015-2020.

Huỳnh Anh Tuấn
Tổng giám đốc Huỳnh Anh Tuấn: mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang quay trở lại tương ứng với thời kỳ 2020-2021, tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, giúp tăng nhu cầu hàng hoá ở cả trong nước và ngoài nước. Vì hoạt động thương mại rất quan trọng, là một trong các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP. Đồng thời, giúp tăng chi tiêu đầu tư công và các chính sách tiền tệ, pháp lý tạo điều kiện cho các ngành nghề hồi phục và tăng trưởng, trong đó có chứng khoán.

 Theo tôi, tựu chung lại, lãi suất cho vay giảm giúp chi phí vốn của nền kinh tế rẻ hơn, và các yếu tố còn lại mang tính hấp thụ vốn. Từ đó bối cảnh vĩ mô tốt thì nền kinh tế mạnh, qua đó thị trường chứng khoán tăng trưởng cũng vững vàng hơn

Trong nửa cuối năm 2023, ông cho rằng NĐT nên quan tâm đến những nhóm ngành nào?

- Theo tôi hầu hết các nhóm ngành trong nửa cuối 2023 đều sẽ hồi phục, đến từ môi trường kinh doanh được cải thiện hơn, như lãi suất giảm, hoạt động xuất nhập khẩu khả quan hơn. Nhà đầu tư cần lưu ý một số nhóm ngành dưới đây.

Nhóm chứng khoán, ngân hàng hưởng lợi từ lãi suất dự báo giảm mạnh hơn vào cuối năm, giúp chi phí huy động vốn cho vay dịch vụ chứng khoán rẻ hơn. Đồng thời thị trường giao dịch sôi động cũng là điều kiện thuận lợi cho ngành này. Trong khi ngân hàng cũng dần tốt hơn, mặc dù sự hồi phục có thể chậm do xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến trái phiếu, bất động sản.

Nhóm đầu tư công đã tăng mạnh từ nửa đầu năm, tuy nhiên trọng tâm giải ngân dồn về nửa cuối 2023, do đó ngành này cũng đáng quan tâm. Các dự án trọng điểm lớn như vành đai 3 ở TP.HCM, vành đai 4 ở Hà Nội, sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2….

Nhóm bán lẻ: Khi lãi suất vay giảm, nhu cầu tiêu dùng cũng dần cải thiện, hoạt động cho vay tiêu dùng đã hồi phục trong khoảng hơn 1 tháng qua. Nhóm các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành như FRT, DGW, MWG…

Nhóm dầu khí: Dự án Lô B là tâm điểm, việc phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án này trong quý 3 sẽ là chất xúc tác chính cho ngành dầu khí.

Ngoài ra, ngành bất động sản cũng là ngành đáng quan tâm. Nhóm bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn nhờ dòng vốn FDI trong thời gian tới. Trong khi nhóm bất động sản nhà ở nhìn chung vẫn khó khăn và đang được tháo gỡ dần các nút thắt.

BDS KCN
Bất động sản khu công nghiệp cũng là nhóm ngành đáng quan tâm.

Tuy lãi suất cho vay giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn không vay được tiền, vì không có tài sản đảm bảo hoặc không có đơn hàng mới. Do đó, lãi suất cho vay giảm chưa hẳn giúp KQKD của DN tốt lên và hỗ trợ TTCK tăng điểm. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Theo công bố của các ngân hàng thương mại, lãi suất được giảm cho khoản vay mới và cả những khoản vay hiện hành. Như vừa rồi Vietcombank công bố đợt giảm lãi suất vay lần thứ 3 từ đầu năm, mức giảm tới 0.5%/năm cho toàn bộ khoản vay các nhân và doanh nghiệp. Như vậy là lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được tác động tích cực, trực tiếp. BIDV trước đó cũng thông báo giảm lãi suất từ 1/6 cho các khoản vay trung và dài hạn hiện hành, và các thông báo từ các ngân hàng thương mại khác cũng đều thể hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Thị trường chứng khoán tăng điểm cũng đã phản ánh kỳ vọng tích cực về chi phí vay vốn của doanh nghiệp. Tựu trung lại, chính sách lãi suất được duy trì ở mức thấp và ổn định, là cơ sở để doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch kinh doanh, thị trường chứng khoán cũng vì đó mà tăng trưởng ổn định.

Ông dự báo thế nào về chỉ số VN-Index vào cuối năm nay?

- Tổng hợp hết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cho thấy, dù đi qua giai đoạn khó khăn nhưng tổng lợi nhuận so với cùng kỳ 2022 chỉ giảm 1%. Tất nhiên có sự phân bố không đều, khối tài chính và vài công ty bất động sản lớn có phần trội hơn thị trường. Nhưng có thể lợi nhuận doanh nghiệp đã tạo đáy và sẽ có sự phục hồi từ quý 3, quý 4 năm nay. Kết hợp với dòng vốn tham gia kênh đầu tư chứng khoán đang gia tăng, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index kết thúc năm quanh mốc 1.300 điểm.

Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục