Từ 18/8 áp thuế chống bán phá giá với đường nhập từ Thái Lan
Kể từ ngày 18/8/2023, Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sản phẩm đường đối với một số công ty đường Thái Lan khi nhập vào Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa có quyết định về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Thuế được áp dụng với nhóm Công ty Mitr Phol Sugar (nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học lớn nhất của Thái Lan và châu Á) cùng 4 công ty liên kết và Công ty Czamikow Group Limited; nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry (nhà sản xuất đường lớn thứ hai) và 5 công ty liên kết.
Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá với nhóm Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd và 4 công ty liên kết và Công ty Czarnikow Group Limited là 32,75%, thuế chống trợ cấp là 0%. Còn với nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết, thuế chống bán phá giá là 25,73%, thuế chống trợ cấp là 4,65%. Các nhóm hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được phân loại theo mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90 và 1702.90.91.
Quyết định này dựa trên cơ sở kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 18/8/2023 đến 15/6/2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo quy định của pháp luật).
Bên cạnh đó, sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan cũng sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá và mức thuế chống trợ cấp với tổng mức thuế là 47,64%. Tuy nhiên, đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Năm 2021, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp lên đường mía nhập từ Thái Lan sau một thời gian áp thuế tạm thời. Mức thuế chống bán phá giá chính thức thời điểm đó là 42,99%, thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%.
Trước đó, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Quá trình kiểm tra cho thấy, đường mía được Thái Lan trợ cấp, tràn vào Việt Nam, đã gây thiệt hại lớn đến ngành sản xuất nội địa. Theo tính toán của cơ quan chức năng, 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.