Thứ ba, 08/08/2023, 14:00 (GMT+7)

Một doanh nghiệp Hàn Quốc chi 30 triệu USD thâu tóm hơn 50% cổ phần Trung Sơn Pharma

Mới đây, công ty dược phẩm của Hàn Quốc tiết lộ đã ký một thỏa thuận mua lại 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, giao dịch trị giá khoảng 30 triệu USD.

Theo đó, Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần, tương đương hơn 12,15 triệu cổ phiếu của Hệ thống chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma. Dongwha Pharm cho biết, thương vụ mua lại này sẽ giúp công ty gia nhập và đa dạng hóa hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ngoài các loại thuốc không kê đơn, Dongwha Pharm cũng có kế hoạch bán các sản phẩm mỹ phẩm, và thực phẩm chức năng tốt cho sức khoẻ tại Việt Nam. Tập đoàn Hàn Quốc cho biết thêm, sau mua lại, Trung Sơn Pharma có thể mở rộng mạng lưới lên 460 cửa hàng vào năm 2026. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay. 

nh chụp màn hình 2023-08-08 123404
Một cửa hàng của chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma

Được biết, Chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma của Việt Nam được thành lập vào năm 1997 bởi ông Trương Thanh Sơn - CEO Trung Sơn Pharma và bà Trương Hoàng Thanh Trúc - Chủ tịch Trung Sơn Pharma. Chuỗi nhà thuốc hiện có hơn 140 cửa hàng tại khu vực phía Nam. Trong đó, TP Cần Thơ là nơi có nhiều nhất với 45 nhà thuốc. Năm ngoái, Trung Sơn Pharma ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 56,5 triệu USD.

Còn Dongwha Pharm là một công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc, công ty được thành lập vào năm 1970, chuyên tham gia sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim mạch và chuyển hóa, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.

Với quy mô dân số 100 triệu người, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện và ngày càng quan tâm tới sức khỏe, thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy hấp dẫn. Ước tính, tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025, đạt 33,8 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2030 là 7,6%.

Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, dù có dư địa tăng tăng trưởng lớn nhưng cạnh tranh trong ngành rất quyết liệt. Điều này có thể thấy được qua việc chuỗi cửa hàng thuốc Pharmacity thu hẹp từ con số 1.100 cửa hàng vào cuối năm 2022, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn đang lỗ lớn...

Cùng chuyên mục