Kinh doanh thịt heo bệnh, chết: Mức phạt và chế tài ra sao?
Việc kinh doanh thịt heo chết – đặc biệt là heo chết do bệnh – không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng, cần xử lý nghiêm.
Đại gia chăn nuôi Thái Lan CP Foods làm ăn ra sao tại thị trường Việt Nam?
Bị tố bán thịt heo bệnh cho người tiêu dùng, C.P. Việt Nam nói gì?
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, hành vi sản xuất và kinh doanh thịt heo chết, đặc biệt là heo chết do bệnh, là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành và có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những trường hợp heo chết do các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng, nhiệt thán, dịch tả, xoắn khuẩn, liên cầu khuẩn lợn tuýp 2, giun xoắn hoặc sảy thai truyền nhiễm buộc phải tiêu hủy ngay để phòng, chống dịch bệnh lây lan.
Ngay cả khi heo chết không do bệnh mà do các nguyên nhân như sốc nhiệt hoặc bị đè ép trong quá trình vận chuyển, Ban Quản lý ATTP TP.HCM vẫn khuyến cáo không nên sử dụng. Nguyên nhân là vì lúc này thịt đã bị biến chất, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với những trường hợp cố tình sử dụng thịt heo bệnh hoặc thịt heo đã chết để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các hành vi này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể:
Phạt từ 20 – 40 triệu đồng nếu sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chỉ tiêu an toàn thực phẩm để chế biến thực phẩm.
Phạt từ 40 – 50 triệu đồng nếu sử dụng động vật chết do bệnh để chế biến hoặc bán thực phẩm có giá trị dưới 10 triệu đồng.
Phạt từ 80 – 100 triệu đồng nếu giá trị thực phẩm từ động vật chết do bệnh từ 10 triệu đồng trở lên.
Trường hợp mức phạt tối đa vẫn thấp hơn 5 – 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm, có thể áp dụng mức phạt tính theo tỷ lệ này (nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).
Ngoài các mức phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị xử lý bổ sung như: Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 đến 3 tháng (với hành vi thuộc khoản 3 và 4) hoặc từ 10 đến 12 tháng (với hành vi thuộc khoản 5 Điều 4).
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 đến 24 tháng.
Buộc tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu, thực phẩm vi phạm và thu hồi bản tự công bố sản phẩm nếu có.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM đề nghị người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm thịt có dấu hiệu biến chất, không rõ nguồn gốc; đồng thời phối hợp thông tin với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm, để kịp thời xử lý và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.