Kiểm soát acid uric hiệu quả: Nên ăn gì, tránh gì để bảo vệ sức khỏe?
Kiểm soát acid uric phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn. Ăn uống sai cách có thể làm tăng nguy cơ gout – dưới đây là những thực phẩm nên và tránh sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe.
5 loại đồ uống tự nhiên giúp đánh bật gout, tạm biệt axit uric cao mà không cần dùng thuốc
Gan nhiễm mỡ: Khỏe lại nhờ ăn uống theo cách này
Mướp thanh mát nhưng nếu dùng sai cách, dễ thành 'gánh nặng' cho thận
Mức acid uric trong máu cao có thể gây ra các bệnh lý như gout và sỏi thận. Để kiểm soát acid uric hiệu quả, nhiều người được khuyên áp dụng chế độ ăn ít purin – một chất có trong nhiều loại thực phẩm và sẽ chuyển hóa thành acid uric trong cơ thể. Khi tích tụ quá mức, acid uric, chúng tạo thành các tinh thể sắc nhọn ở khớp, gây viêm, sưng và đau dữ dội. Giảm purin trong khẩu phần ăn không chỉ giúp ổn định nồng độ acid uric, mà còn góp phần phòng ngừa cơn gout cấp tái phát.
Chế độ ăn ít purin góp phần làm giảm lượng acid uric tích tụ trong cơ thể

Purin là hợp chất tự nhiên có mặt trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Khi được chuyển hóa trong cơ thể, purin tạo ra acid uric – một sản phẩm phụ có thể tích tụ nếu dư thừa. Để kiểm soát acid uric, chế độ ăn ít purin được xem là giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Cách ăn này tập trung hạn chế thực phẩm giàu purin nhằm giảm lượng acid uric sinh ra, đồng thời bổ sung các nhóm thực phẩm có khả năng hỗ trợ đào thải hoặc ổn định acid uric trong máu.
Việc điều chỉnh thực đơn theo hướng ít purin đặc biệt hữu ích với những người đang có nguy cơ tăng acid uric máu hoặc muốn phòng ngừa bệnh gout. Đồng thời, nó cũng giúp kiểm soát bệnh ở những người có nguy cơ nhưng chưa phát triển bệnh. Từ đó, góp phần giảm nguy cơ tái phát gout và hình thành sỏi thận – hai biến chứng phổ biến của tình trạng này.
Những thực phẩm có thể làm tăng acid uric – yếu tố chính gây ra bệnh gout
Đồ uống và thực phẩm nhiều đường: Đường tinh luyện, đặc biệt là fructose, khi được chuyển hóa trong cơ thể sẽ làm tăng sản sinh acid uric. Việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, bánh kẹo, hoặc thực phẩm chứa đường bổ sung có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện cơn gout.
Si-rô ngô giàu fructose: Đây là thành phần phổ biến trong nước ngọt có gas, ngũ cốc ăn liền, bánh quy và thực phẩm chế biến sẵn. Loại si-rô này không chỉ thúc đẩy sản xuất acid uric mà còn cản trở quá trình bài tiết qua thận, gây tích tụ trong cơ thể.
Rượu và đồ uống có cồn: Dù không phải loại nào cũng giàu purin, nhưng rượu làm giảm khả năng đào thải acid uric của thận, khiến chất này quay ngược lại máu và tăng nguy cơ bùng phát gout.
Thịt nội tạng: Gan, thận, lá lách, lòng, óc… là các bộ phận chứa nhiều purin – nên được hạn chế tối đa nếu bạn đang cố gắng kiểm soát acid uric.
Thịt đỏ: Các loại như bò, bê, cừu, heo, ngỗng hay thịt xông khói đều có hàm lượng purin khá cao. Thay vào đó, nên ưu tiên thịt trắng nạc như thịt gà (trừ gà tây) và cá ít purin.
Một số loại hải sản: Dù là nguồn dinh dưỡng tốt, có chứa nguồn protein và omega-3 đồi dào, nhưng các loại cá như cá trích, cá cơm, cá mòi, cá ngừ… chứa lượng purin rất cao, có thể lên đến 300–400 mg/100g. Nhóm hải sản như sò điệp, vẹm, cá hồi, cá tuyết tuy hàm lượng prutin thấp hơn (khoảng 100-200mg/100g) nhưng vẫn nên dùng có chừng mực.
Thịt gà tây và các loại đã qua chế biến: Thịt gà tây, nhất là loại chế biến sẵn, vẫn thuộc nhóm giàu purin và không phù hợp trong chế độ ăn kiêng acid uric.
Men và chiết xuất men: Có mặt trong các món hầm, nước sốt thịt đậm đặc hoặc sản phẩm lên men – những thành phần này cũng góp phần làm tăng acid uric nếu dùng thường xuyên.
Bông cải trắng (súp lơ): Dù là loại rau bổ dưỡng, súp lơ cũng chứa purin ở mức trung bình. Ăn quá nhiều và liên tục có thể làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát acid uric.
Những thực phẩm hỗ trợ kiểm soát acid uric hiệu quả
Sữa tách kem: Một số nghiên cứu cho thấy sữa tách kem có thể thúc đẩy quá trình đào thải acid uric qua nước tiểu, đồng thời làm dịu phản ứng viêm của cơ thể đối với các tinh thể acid uric trong khớp. Nhờ đó, việc bổ sung loại sữa này có thể giúp giảm nguy cơ gây nên các cơn gout cấp.
Quả anh đào: Anh đào và nước ép anh đào chứa hợp chất chống viêm tự nhiên, được ghi nhận là có thể hỗ trợ làm giảm acid uric trong máu. Đây là một lựa chọn đáng cân nhắc cho người đang tìm cách kiểm soát acid uric bằng thực phẩm.
Cà phê: Dù có tính acid, cà phê không làm tăng acid uric. Trái lại, tiêu thụ cà phê vừa phải mỗi ngày có thể làm chậm quá trình hình thành acid uric từ purin và tăng cường khả năng bài tiết qua thận – giúp ổn định nồng độ acid uric trong cơ thể.
Nước: Uống đủ nước là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ thận đào thải acid uric. Những người duy trì thói quen uống từ 5–8 ly nước mỗi ngày thường có nguy cơ xuất hiện triệu chứng gout thấp hơn. Ngoài ra, nước còn góp phần bảo vệ chức năng thận – cơ quan đóng vai trò then chốt trong quá trình kiểm soát acid uric.
Khuyến nghị từ chuyên gia về chế độ ăn khoa học
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thay vì chỉ tránh một vài món cụ thể, người cần kiểm soát acid uric nên xây dựng một chế độ ăn cân bằng, khoa học.
Đa dạng nguồn protein: Không phải tất cả thịt và hải sản đều cần kiêng tuyệt đối. Việc thay đổi luân phiên các nguồn protein, đồng thời tránh xa những thực phẩm chứa purin cao như nội tạng, cá mòi hay thịt đỏ sẽ giúp hạn chế nguy cơ tăng acid uric mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Tăng cường rau củ và trái cây: Hầu hết rau quả đều chứa rất ít purin, lại giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chúng còn giúp tạo môi trường kiềm nhẹ trong cơ thể, hỗ trợ quá trình đào thải acid uric. Đặc biệt nên ưu tiên các loại rau lá xanh đậm và trái cây có múi như cam, chanh, bưởi.
Đậu xanh: Là nguồn protein thực vật lành mạnh, đậu xanh có hàm lượng purin thấp và dễ tiêu hóa. Đậu xanh nảy mầm còn tăng giá trị dinh dưỡng, hỗ trợ tiêu hóa và giảm gánh nặng chuyển hóa cho cơ thể.
Bí xanh, mướp hương: Những loại rau có tính mát này không chỉ ít purin mà còn giúp thanh lọc, bổ sung nước và hỗ trợ chức năng thận – cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát acid uric.
Ngũ cốc nguyên hạt (trừ yến mạch): Gạo lứt, bánh mì nguyên cám, mì ống làm từ lúa mì nguyên hạt là những lựa chọn ít purin, giàu chất xơ và giúp ổn định đường huyết – yếu tố gián tiếp góp phần duy trì nồng độ acid uric ở mức an toàn.