Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 07/05/2023, 09:00 (GMT+7)

Khám phá một 'miền Tây thu nhỏ' tại chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè không chỉ mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long mà nơi đây còn là địa điểm du lịch hấp dẫn. Khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chợ nổi cái Bè cũng như văn hóa mua bán truyền thống của người dân miền Tây.

Chợ nổi Cái Bè ở đâu?

Chợ nổi Cái Bè là nơi tiếp giáp của ba tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dọc theo bờ cù lao Tân Phong, các bạn sẽ tìm thấy khu chợ này tại trung tâm thị trấn Cái Bè. Cùng với chợ Cái Răng, Ngã Bảy, khu chợ này là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất tại miền Tây Nam Bộ, có hoạt động trao đổi, mua bán đa dạng từ thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,…

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-1
Chợ nổi Cái Bè là nơi tiếp giáp của ba tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Nguồn: Tổng cục Du lịch

Chợ nổi Cái Bè hình thành từ bao giờ?

Chợ nổi Cái Bè là một trong những khu chợ nổi có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam Bộ. Chợ nổi miền Tây nói chung và Cái Bè nói riêng đã được hình thành từ khi có bước chân của lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất này từ thế kỷ XVII – XVIII. Chợ nổi hình thành trong điều kiện giao thông và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, nên khi có nhu cầu buôn bán, trao đổi, người ta liền thường tụ tập mua bán trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe.

Sách Gia Định thành thông chí ghi nhận đầu thế kỷ XIX, chợ nổi rất sung túc, bè tre đậu kín vàm rạch, chở lúa gạo, cá khô, cau khô và các loại vỏ cây già, cây đước bán tận Campuchia. Đến cuối thế kỷ XX, nơi đây đã trở thành một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất khu vực Nam bộ. 

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-2
Chợ nổi miền Tây nói chung và Cái Bè nói riêng đã được hình thành từ thế kỷ XVII – XVIII. Nguồn: Vntrip

Cách di chuyển đến chợ nổi Cái Bè

Các bạn có thể di chuyển đến chợ nổi Cái Bè bằng nhiều loại phương tiện như xe khách, xe máy, ô tô cá nhân,…  

  • Xe máy

Theo chia sẻ của nhiều du khách đến khi đến với khu chợ này, di chuyển bằng xe máy là thú vị nhất, sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm mới mẻ và khó quên.

Đoạn đường được ước tính là dài khoảng 80km, du khách có thể di chuyển theo hướng đi đường Kinh Dương Vương ra quốc lộ 1A → đi qua Võ Văn Kiệt → rẽ vào tỉnh lộ 875 tìm đường đến Trưng Nữ Vương → chạy thêm một đoạn nữa là sẽ đến chợ.

  • Máy bay

Nếu các bạn là du khách đến từ miền Bắc hoặc miền Trung thì các bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay. Với 2 sân bay là sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Cần Thơ. Về giá vé cho các chuyến bay như thế này sẽ chỉ dao động trong khoảng từ 700.000VNĐ cho đến 2.000.000VNĐ/vé.

  • Ô tô

Còn nếu bạn đến từ các tỉnh miền Tây, Sài Gòn hoặc các vùng lân cận, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện như: ô tô, xe khách.

Nếu phân vân không biết nên lựa chọn cách di chuyển nào hoặc tuyến đi nào cho thuận tiện, bạn cũng có thể lựa chọn đi theo đoàn. Khi đi theo đoàn, bạn còn được hướng dẫn viên chỉ dẫn nhiệt tình, tránh các tình trạng rủi ro không đáng có cũng như việc chặt chém giá cả. 

Cách di chuyển tại chợ nổi Cái Bè

Nếu bạn muốn tham quan một vòng của khu chợ nổi Cái Bè, các bạn có thể lựa chọn 2 cách sau: 

  • Đi theo gia đình hoặc đoàn nhiều người. Với đoàn như thế này, du khách có thể thuê thuyền đi chợ nổi từ 10 cho đến 15 chỗ ngồi, giá cả sẽ chỉ dao động từ 500.000VNĐ cho đến 800.000VNĐ.

  • Nếu bạn muốn cảm nhận trọn vẹn nhất sự thú vị tại khu chợ này thì có thể lựa chọn thuê xuồng ba lá dành cho 3 đến 5 người với giá rẻ hơn chỉ từ 150.000VNĐ cho đến 200.000VNĐ.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-3
Bạn có thể di chuyển đến chợ nổi Cái Bè bằng nhiều loại phương tiện. Ảnh: sưu tầm

Thời gian hoạt động của chợ nổi Cái Bè

Để cảm nhận rõ nhất sự sôi nổi, xuồng ghe tấp nập của chợ, bạn nên tới đây vào thời điểm sáng sớm, khoảng 4:00 giờ. Hoa quả vừa được chở từ các nhà vườn, cộng thêm thủy hải sản mới đánh bắt đổ về, tạo nên khung cảnh họp chợ vô cùng náo nhiệt. 

Buổi sáng từ 5:00 giờ – 6:00 giờ là thời điểm chợ đông vui, sầm uất nhất, với nhiều loại hàng hóa, nông phẩm tươi ngon. Du khách chắc chắn sẽ không muốn bỏ lỡ khung cảnh này, khi giữa bầu trời vừa hửng sáng là một bức tranh đầy màu sắc của các loại thuyền, ghe tấp nập ngược xuôi trên sông. 

Nếu muốn tận hưởng khoảng lặng bình yên, mà vẫn được lênh đênh trên sông nước, bạn có thể tới chợ nổi vào buổi chiều. Đây là lúc để bạn cảm nhận rõ hơn cuộc sống sinh hoạt đời thường trên ghe của cư dân nơi đây. 

Đến tối, khu chợ như khoác lên mình một tấm áo lung linh, thơ mộng và trầm tĩnh hơn. Chợ sẽ tan vào 8:00 giờ tối mỗi ngày, nhưng càng về chiều tối sẽ càng trầm lắng nên bạn hãy tranh thủ thời gian nhé. 

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-4
Buổi sáng từ 5 giờ – 6 giờ là thời điểm chợ đông vui, sầm uất nhất. Nguồn: Du lịch Tiền Giang

Khám phá chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè chia theo khu vực buôn bán độc đáo

Chợ được chia làm những khu vực buôn bán khác nhau. Đây chính là điều đặc biệt ở những khu chợ nổi miền Tây:

  • Khu vực Vàm chợ nổi bán trái cây. Nơi đây có rất nhiều tiểu thương buôn bán những loại đặc sản miền Tây như: quýt Cái Bè, vú sữa lò rèn, dừa xiêm, khóm Tân Phước, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc,…

  • Đoạn từ ngã 3 Nhà Thờ đến cửa Vàm Long Hải là nơi buôn bán rau củ.

  • Những đoạn khác rải rác thành nhiều nhóm như: bán gạo, vải, thủy hải sản, đồ dùng sinh hoạt,…
cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-5
Chợ nổi Cái Bè được chia làm những khu vực buôn bán khác nhau. Ảnh: sưu tầm
cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-6
Ghe bán hoa quả tại chợ nổi Cái Bè. Nguồn: Du lịch Tiền Giang

Lễ hội tắm cồn, lễ hội tắm bùn độc đáo

Vào dịp tết Đoan Ngọ, chợ nổi Cái Bè lại trở nên đông vui náo nhiệt hơn bao giờ hết với các hoạt động vô cùng độc đáo. Đó chính là lễ hội tắm cồn, lễ hội tắm bùn. 

Thông thường cứ vào khoảng từ 13 giờ đến 16 giờ, khi nước bắt đầu cạn làm nổi lên những bãi cù lao, sẽ là lúc những người dân và du khách được thỏa sức tắm bùn. Tiếng hò hét, náo nhiệt, ầm ĩ làm cả không gian như bừng tỉnh.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-7
Lễ hội tắm bùn tại chợ nổi Cái Bè. Nguồn: Tico Travel

Tham quan làng nghề truyền thống

Trong hành trình khám phá khu chợ này, du khách cũng đừng quên ghé qua và tham quan các làng nghề truyền thống để được người dân chỉ cho các cách đan mây, làm bánh xếp,…

Ngồi thuyền tham quan chợ nổi Cái Bè

Để có thể tham quan hết khu chợ đặc biệt này, bạn nên thuê một chiếc thuyền để đi vòng quanh chợ. Mỗi thuyền có thể chứa từ 10 đến 15 người, với mức giá dao động từ 500.000VNĐ - 800.000VNĐ/thuyền. 

Nếu đoàn của bạn có ít người hơn, bạn có thể trải nghiệm xuồng ba lá đậm chất miền Tây, với sức chứa từ 3- 5 người và giá cũng phải chăng hơn, chỉ từ 150.000VNĐ - 200.000VNĐ. 

Chợ nổi Cái Bè là đầu mối trung chuyển sản vật, trái cây từ các vựa trái cây lớn của đồng bằng Sông Cửu Long. Vậy nên mùa nào thức nấy, các thuyền ghe đều đầy ắp trái cây đa sắc màu, thơm lịm. 

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-8
Du khách có thể thuê thuyền để di chuyển, tham quan chợ nổi Cái Bè. Nguồn: Vntrip

Chiêm ngưỡng cây bẹo - nét đẹp văn hóa chợ nổi Cái Bè  

Để biết được ghe nào bán mặt hàng gì, người dân thường treo mặt hàng bán lên cây bẹo. Đây là một hình ảnh văn hóa đặc trưng ở các chợ nổi miền Tây. Chỉ cần nhìn cây bẹo là biết ngay ghe đó bán gì. Cây bẹo là một cây sào dài bằng tre, cột trước mũi ghe, trên cây sào sẽ treo những mặt hàng mà người bán muốn giới thiệu đến người mua. Không cần phải có bảng hiệu hay đèn led lấp lánh, cây bẹo là hình thức chào mời độc nhất vô nhị mà du khách chỉ thấy khi du lịch tại chợ nổi miền Tây.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-9
Cây bẹo là một cây sào dài bằng tre, cột trước mũi ghe, trên cây sào sẽ treo những mặt hàng mà người bán muốn giới thiệu đến người mua. Nguồn: Viet Fun Travel

Ăn gì khi đi chợ nổi Cái Bè?

Trái cây tươi ngon thu hoạch từ vườn 

Có thuận lợi về vị trí địa lý, là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua bán. Với nhiều hàng hóa đa dạng, chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với các loại trái cây chuyên canh như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè,…và có lượng trái cây nhiều nhất ở Tiền Giang và là nơi các tỉnh khác đến đây để mua hàng như: Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau,… Bạn có thể mua trái cây về làm quà biếu khi du lịch chợ nổi Cái Bè.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-10
Chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với các loại trái cây chuyên canh. Ảnh: sưu tầm
cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-11
Chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua bán. Ảnh: sưu tầm

Thưởng thức điểm tâm sáng và “cà phê nổi”

Ngày nay, do nhu cầu của người dân, chợ nổi Cái Bè không chỉ bán trái cây hay các loại nông phẩm mà còn cả các món ăn điểm tâm ngay trên ghe phục vụ cho người dân và du khách. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng như: bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò,…

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-12
Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng. Nguồn: Du lịch Miền Tây

Hình ảnh những người ngồi trên ghe giữa những nồi nước lèo thơm phức, nóng hổi với khói nghi ngút, xung quanh là các loại rau thơm, thịt,… sẽ khiến du khách bụng cồn cào. Không những thế, xung quanh chợ nổi cũng có ghe bán đặc sản miền Tây, bạn không nên bỏ lỡ các món mứt, chè, bánh dân gian,… được nấu rất khéo léo.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-13
Rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn được bày bán tại chợ nổi Cái Bè. Ảnh: sưu tầm

Bên cạnh đó, du khách không nên bỏ lỡ những ly cà phê, trà đá tại chợ nổi. Cảm giác thưởng thức một ly cà phê trên sông vô cùng mới lạ và thú vị. Không có tiếng nhạc xập xình, không có tiếng xe cộ hay khói bụi mà chỉ có tiếng sóng, tiếng rao bán của tiểu thương, tiếng xuồng ghe qua lại vô cùng “chất” miền Tây.

Những món ăn nổi tiếng tại chợ nổi Cái Bè

Cá lóc rút xương dồn thịt

Cá lóc rút xương dồn thịt là một trong những đặc sản vô cùng nổi tiếng tại miền Tây sông nước. Du khách khi ăn món cá lóc rút xương dồn thịt sẽ cảm nhận được những hương vị vô cùng độc lạ từ cách chế biến cho đến phần nước sốt được dưới lên. Món này sẽ ngon hơn khi được cuốn cùng bánh tráng.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-14
Cá lóc rút xương dồn thịt là một trong những đặc sản vô cùng nổi tiếng tại miền Tây sông nước. Ảnh: sưu tầm

Lẩu mắm bông lục bình

Một món ăn vô cùng dân dã không còn xa lạ gì với người dân nơi đây chính là món lẩu mắm cá hú nấu với bông lục bình. Món ăn sẽ gợi cho du khách một hương vị vô cùng dân dã, thấm đượm vị quê nhà.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-15
Lẩu mắm cá hú nấu với bông lục bình không còn xa lạ gì với người dân miền Tây. Ảnh: sưu tầm

Vịt nấu chao

Ở mỗi vùng, mỗi nơi khác nhau, món vịt nấu chao sẽ được chế biến với những nét đặc sắc riêng và tạo ra những hương vị ngon khác nhau. Nếu bạn đã một lần được thưởng thức món vịt nấu chao ở chợ nổi Cái Bè thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên đi được hương vị đặc trưng thơm ngon khó tả ấy. 

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-16
Vịt nấu chao tại chợ nổi Cái Bè có hương vị rất khác so với những vùng khác. Ảnh: sưu tầm

Gà hầm sả với rau mồng tơi

Một trong những món ăn mà các bạn cũng không nên bỏ qua khi đến với khu chợ này chính là món gà hầm sả với rau mồng tơi. Món ăn thơm ngon, tròn vị với nước gà béo béo, ngậy ngậy, kết hợp với vị của rau mồng tơi thanh mát.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-17
Gà hầm sả với rau mồng tơi có vị béo béo, ngậy ngậy, kết hợp với vị thanh mát của rau mồng tơi. Ảnh: sưu tầm

Cá tai tượng chiên xù

Cá được chiên tới độ giòn ngon, cả thân cá phủ một lớp màu vàng vừa tới. Chỉ cần cắn một miếng là các bạn đã có thể cảm nhận được vị giòn rồm rộp vô cùng kích thích vị giác.

cho-noi-cai-be-tiep-thi-gia-dinh-18
Cá tai tượng được chiên tới độ giòn ngon, thân cá phủ một lớp màu vàng vừa tới. Ảnh: sưu tầm

Chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Đến với chợ nổi Cái Bè, bạn sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa cùng miền vô cùng đặc sắc từ ẩm thực cho đến hoạt động giao thương.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục