Khám phá dấu tích lịch sử hòn ngọc tại Cà Mau
Hòn Đá Bạc được coi là chốn tiên cảnh tại Cực Nam Tổ quốc. Vậy điều gì làm nên sức hút của Hòn Đá Bạc? Hãy cùng Tiếp thị và gia đình tìm hiểu trong bài viết dưới đây nha.
Đôi nét về Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc ở đâu?
Hòn Đá Bạc là một cụm hòn đất nằm giữa biển gồm 3 hòn có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Các hòn này nằm liền kề nhau và bao gồm hòn Đá Bạc, hòn Đá Lẻ và hòn Ông Ngộ. Cụm hòn này có tổng diện tích khoảng 6,43ha và hòn cao nhất cao hơn mặt nước biển khoảng 50m. Nhiều tài liệu ghi lại rằng hòn Đá Bạc có niên đại tới 180 triệu năm.
Hòn Đá Bạc Cà Mau nằm ở xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Nơi này cách thành phố Cà Mau khoảng 50km nên du khách đi xe máy hoặc ô tô chỉ mất hơn 1h là đến được hòn Đá Bạc. Với vẻ đẹp đa dạng, hòn Đá Bạc hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả các khách du lịch nước ngoài.
Dấu tích lịch sử Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc còn là nơi ghi lại nhiều dấu ấn trên những trang sử hào hùng của dân tộc. Ngày 7/12/1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã bức rút một Trung đội pháo binh với cụm pháo 105 ly của địch đặt trên Hòn Đá Bạc, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch và giải phóng hoàn toàn Hòn Đá Bạc.
Năm 1981, Hòn Đá Bạc là nơi kết thúc chuyên án CM12 kéo dài 4 năm. Chuyên án đã đánh bại cuộc nhập biên phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ Xã hội Chủ nghĩa của các đối tượng lưu vong nước ngoài kết hợp với thế lực phản động trong nước do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích: Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng bia kỷ niệm chiến tích của quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng, Bảo tàng CAND, Tượng đài chiến thắng “Kếhoạch CM12” và Nhà truyền thống tại khu di tích nổi tiếng này. Tất cả những điều đó khiến cho một hòn đảo nhỏ ở xa tít ven bờ biển Cà Mau luôn là điểm đến của nhiều người, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân địa phương cũng như du khách thập phương.
Lí giải tên gọi Hòn Đá Bạc
Tên gọi hòn Đá Bạc được cho là do những người ngư dân ở đây đặt. Lý do là vì khi họ ra khơi, từ ngoài biển nhìn vào nắng chiếu lên hòn tạo ra ánh sáng lấp lánh như dát bạc, vì thế người dân gọi luôn là hòn Đá Bạc.
Kinh nghiệm du lịch tại Hòn Đá Bạc
Cách di chuyển đến Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau chỉ khoảng 50km. Các bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển là xe máy hoặc ô tô đều được. Ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn ghe thuyền.
- Xe máy, ô tô: Xuất phát từ trung tâm thành phố – đi theo đường Ngô Quyền – Võ Văn Kiệt – DT985C – hướng về xã Khánh Bình Tây – đến khu vực Cơi Năm bạn sẽ thấy có biển chỉ dẫn đường đến Hòn Đá Bạc. Bạn rẽ theo đường này, đi tiếp khoảng 15 km là sẽ đến nơi.
- Di chuyển bằng ghe: xuôi theo dòng kênh Tắc Thủ. Quãng đường sẽ kéo dài khoảng 40km. Ngồi trên ghe, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng khung cảnh bình yên, thơ mộng của sông nước Cà Mau.
Thời gian lí tưởng để du lịch tại Hòn Đá Bạc
Thời điểm được nhiều người lựa chọn nhất để đến đây là khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đây là mùa khô tại Cà Mau, rất lý tưởng đối với các hoạt động tham quan, khám phá cùng những trải nghiệm các trò chơi thú vị và hấp dẫn đặc trưng của tour du lịch Miền Tây như bắt cá, bắt chuột đồng,…
Giá vé tham quan Hòn Đá Bạc
- Giá vé tham quan: 20.000đ/vé người lớn – 10.000đ/vé trẻ em
- Thời gian mở cửa: 7:00 (AM) – 19:00 (PM)
Những trải nghiệm thú vị tại Hòn Đá Bạc
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc là hòn chính trong cụm 3 hòn và nổi bật bởi cả hòn được phủ một thảm thực vật nhìn rất xanh tươi. Hòn Đá Bạc gồm 2 cụm đảo:
- Cụm thứ 1 gồm rừng nguyên sinh và núi đá sừng sững.
- Cụm thứ 2 gồm các thắng cảnh như Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Sân Tiên... gồm các khối đá lớn xếp vào nhau thành các hình thù kỳ thú.
Nhìn từ xa, hòn Đá Bạc xanh ngắt một màu giữa biển cả mênh mông. Du khách từ đất liền có thể đi bộ ra hòn Đá Bạc qua một cây cầu dài. Hệ thống cầu nối liền các cụm hòn nên du khách có thể tham quan dễ dàng và không tốn nhiều thời gian đi lại. Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn được tận hưởng không khí trong lành và những cơn gió biển mát rượi. Bạn cũng đừng quên lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp tại nơi này nha.
Tham quan địa điểm tâm linh - Lăng Ông Nam Hải
Lăng Ông Nam Hải Cà Mau là một trong những địa điểm tâm linh quen thuộc của cư dân miền biển. Nơi đây thu hút đông đảo người bản địa cùng ngư phủ từ khắp mọi miền Tổ quốc đến cúng bái thường xuyên. Tín ngưỡng thờ cá Ông hàng chục năm qua đã gắn liền với mảnh đất cuối trời cực Nam. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc - hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần lớn nhất tỉnh thành này nhằm kết nối cộng đồng hướng về cuộc sống tốt đẹp, thịnh vượng cũng được long trọng tổ chức tại lăng.
Hàng năm từ ngày 14 đến 16/2 âm lịch, người dân Sông Đốc sẽ nô nức tề tựu về công trình kiến trúc bề thế này thành kính tổ chức Lễ hội Nghinh Ông rất trang nghiêm. Không khí lăng lúc này tưng bừng, rộn rã và nhộn nhịp vô cùng. Nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng của địa phương miền biển, nhân dân trong và ngoài tỉnh Cà Mau thường đóng góp vật chất, công sức để cùng Ban Trị sự Lăng tổ chức các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng thường niên theo thông lệ. Dưới sự quản lý chu toàn của Ban Trị sự, ngày 25/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã xếp hạng công trình Lăng Ông Nam Hải vào nhóm Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Trải nghiệm cuộc sống của ngư dân
Khi đến hòn Đá Bạc, du khách có thể trải nghiệm và khám phá phần nào cuộc sống của người ngư dân nơi đây qua các hoạt động như câu mực, cạy hàu, câu cá ngát... Những người ngư dân ở đây còn có thể giúp du khách chế biến nhiều món hải sản địa phương với mức giá phải chăng.
Thưởng thức ẩm thực
Nếu bạn có cơ hội đến Hòn Đá Bạc đừng quên thưởng thức hải sản nơi đây. Bởi du khách có thể thưởng thức hải sản tươi ngon với giá cả phải chăng. Cụ thể như: hàu chỉ 1.500 – 2.000 đồng/con, giá mực, cá đối khoảng 2.000 đồng/con, giá tôm tít khoảng 1.500 đồng/con,… Không gì tuyệt vời hơn việc vừa ngắm cảnh biển, gió thổi mát rượi, được ăn hải sản tươi ngon.
Những địa điểm du lịch khác tại Cà Mau
Chợ nổi Cà Mau
Chợ nổi Cà Mau nằm trên đoạn cuối con sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng hơn 200m ở phường 8, trung tâm thành phố Cà Mau. Đây là nơi tập trung nhiều tàu bè buôn bán chở đầy các loại nông sản và hàng hóa của người dân.
Ở khu chợ nổi ở Cà Mau này chỉ tập trung mua bán sỉ đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm, nhu yếu phẩm, trái cây tươi ngon, rau từ các miệt vườn cho các thương lái. Người dân nơi đây chân thành, bình dị, họ buôn bán trên những chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ trên dòng sông, chắc chắn sẽ để lại trong bạn những dấu ấn khó phai về nét độc đáo của khu chợ nổi đặc trưng của hầu hết các tỉnh miền Tây.
Thời điểm khi về chiều tối, du khách có thể ghé qua chợ nổi khi trở lên im lặng lãng mạn, khung cảnh yên bình. Những chiếc ghe lúc sáng giờ đây trở thành những căn nhà nổi bồng bềnh trên mặt nước. Những em nhỏ ngồi câu cá, vui đùa,…tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, mờ ảo khó tìm thấy ở nơi khác.
Vườn quốc gia U Minh Hạ
Vườn Quốc gia U Minh Hạ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích nét đẹp tự nhiên và hoang sơ của sông nước Đất Mũi Cà Mau. Là Khu dự trữ sinh quyển quy mô lớn, U Minh Hạ nổi tiếng với thảm thực vật xanh, hệ sinh thái đa dạng và cảnh sắc thiên nhiên độc đáo.
Nơi đây nổi tiếng với hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện úng phèn, ngập nước, trên đất than bùn. Hệ sinh thái đa dạng, phong phú với hơn 250 loài thực vật, 40 loài thú, 182 loài chim, 20 loài bò sát, lưỡng thê cùng nhiều loài côn trùng khác. Trong đó, có rất nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế. Nếu có dịp đến Cà Mau bạn đừng bỏ qua địa điểm này nha.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Về Cà Mau không chỉ để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên kỳ thú mà còn là dịp để ta cảm nhận được sự thiêng liêng của vùng đất cực Nam của Tổ Quốc. Trong đó, Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau là địa điểm mà bất kỳ du khách nào cũng không thể bỏ qua khi đến Cà Mau. Nơi đây có diện tích khoảng 41.000 ha cùng một thảm động thực vật đa dạng.
Vườn Quốc Gia ở Cà Mau có ba mặt giáp biển – là nơi giao thoa giữa biển đông và biển tây. Nơi đây chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển đông và nhật triều biển tây. Hàng năm vùng bãi bồi lấn biển ra hàng chục mét.
Không những có vị trí địa lý đặc biệt trên bản đồ Việt Nam; Vườn Quốc Gia Đất Mũi còn có vị trí địa lý nằm giáp biển, tạo nên một hệ động thực vật đa dạng. Nơi đây có vị trí khá quan trọng trong khu sinh quyển Việt Nam.
Lưu ý khi du lịch tại Hòn Đá Bạc
Tham quan Hòn Đá Bạc, du khách cần lưu ý những điều sau:
- Du khách khi đến đây vào mùa nắng nên đem theo ô/ dù.
- Đồ ăn nhanh ở hòn Đá Bạc có giá khá đắt. Du khách nên đem theo đồ ăn hoặc mua thức ăn tươi rồi thuê người chế biến sẽ rẻ hơn.
- Du khách muốn ở lại qua đêm tại hòn Đá Bạc thì có thể thuê phòng tại một số khách sạn gần đó như khách sạn Hòn Đá Bạc, khách sạn Lê Trân, nhà nghỉ Phát Đạt... Mức giá phòng ở đây khá phải chăng.
- Du khách nên đi hòn Đá Bạc vào những ngày trong tuần. Vì các ngày cuối tuần và dịp lễ Tết, nơi này khá đông khách.