Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 12/09/2023, 05:46 (GMT+7)

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm với người lao động gồm những gì?

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường được quy định trong Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 6/9/2023.

Trong ngày ngày 6/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong đó, quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường xây dựng cũng được nêu rõ.

ho-so-boi-thuong-bao-hiem
Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định rõ về hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với người lao động thi công công trường (Ảnh: Freepik)

Tài liệu cần có trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường

Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp cùng bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, cơ quan, tổ chức liên quan để thu thập các tài liệu phụ vụ công tác lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường cần có những tài liệu sau:

(1). Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

(2). Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm:

- Hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có).

(3). Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động (bản sao hợp lệ), bao gồm:

- Biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động thì phải có biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật.

- Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau:

+ Giấy chứng nhận thương tích;

+ Giấy ra viện;

+ Giấy chứng nhận phẫu thuật;

+ Hồ sơ bệnh án;

+ Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).

- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của người lao động.

(4). Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do bệnh nghề nghiệp, bao gồm:

- Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động phải có bản trích sao.

- Giấy ra viện (trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp) hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử (trong trường hợp người lao động chết).

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).

- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do bệnh nghề nghiệp của người lao động.

(5). Tài liệu chứng minh các khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm (nếu có).

(6). Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Cùng chuyên mục