Thứ sáu, 18/08/2023, 10:25 (GMT+7)

Đề xuất lấy mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới đây đã có sửa đổi đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Mới đây, Bản dự thảo của Luật Bảo hiểm xã hội do Chính phủ công bố đã sửa đổi đề xuất bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Theo đó, phía đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc đưa ra đề xuất dựa trên những cơ sở thực tiễn: Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.

Hiện tại, các văn bản quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tương đối đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, do luật quy định chung, chưa đủ rõ ràng nên quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và triển khai trong thực tiễn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể như, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ có quy định về tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng mức cao nhất và chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng mức bắt buộc thấp nhất. 

bhxh
Luật BHXH chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (Ảnh: Freepik)

Từ những nhận định trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố (cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất). Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những người không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương,..).

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung này cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

Đối với khu vực ngoài nhà nước, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ kế thừa quy định hiện hành, cụ thể hơn là tiền lương tháng. Bao gồm: mức lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở này, Chính phủ quy định chi tiết các khoản phải đóng và không phải đóng bắt buộc cùng việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

Trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với "mức lương cơ sở" như: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng,.. Dự thảo mới sẽ sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở bằng số tiền cụ thể (tương đương mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời các mức này sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm.

Cùng chuyên mục