Thứ sáu, 28/04/2023, 21:10 (GMT+7)

Hà Nội tìm giải pháp gỡ khó khăn cho hoạt động quảng cáo

Mai Anh (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Bộ Văn hóa vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Văn bản nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 58/CV-HH ngày 11/4 của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy các kiến nghị của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tập trung vào công tác lập, điều chỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn lập hoặc điều chỉnh Quy hoạch quảng cáo ngoài trời (Hướng dẫn số 3812/HD-BVHTTDL ngày 11 tháng 9 năm 2017; Hướng dẫn số 241/HD-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2022). Căn cứ vào quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn, đến thời điểm hiện nay, toàn quốc đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch phù hợp với thực tiễn tại địa phương. 

quang-cao-ngoai-troi-tai-ha-noi-1
Quy hoạch quảng cáo tại Hà Nội có nhiều khó khăn do tính chất và mức độ phức tạp của đô thị

Tuy nhiên, tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn, việc xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch quảng cáo có nhiều khó khăn hơn do tính chất và mức độ phức tạp của quy hoạch đô thị. Do vậy, để giải quyết một số khó khăn như doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định cơ quan quản lý đất công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng bảng quảng cáo.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 được ban hành theo Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2018. Bên cạnh đó, do Quy hoạch quảng cáo phê duyệt đến năm 2020, UBND TP Hà Nội cần có phương án sớm để điều chỉnh Quy hoạch quảng cáo trong giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch quảng cáo, cần đảm bảo nguyên tắc: “Ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước” (điểm đ,khoản 2, Điều 37 Luật Quảng cáo).

Hiện nay, TP Hà Nội đang áp dụng quản lý hoạt động quảng cáo theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2016. Theo đó, việc quy định kích thước, kiểu dáng đối với các bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật tại Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Thông tư này hiện nay đã được thay thế bởi Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ Xây dựng. Do vậy, Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội cần sớm được điều chỉnh theo quy chuẩn kỹ thuật tại Thông tư số 04/2018/TT-BXD để phù hợp thực tế và quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh một số nội dung.

Thứ nhất, về những vị trí đã được lắp đặt bảng quảng cáo, màn hình LED đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt: Đây là phương tiện quảng cáo phải đầu tư kinh phí lớn trong xây dựng và vận hành, là hình thức tuyên truyền kết hợp quảng cáo công nghệ hiện đại, sau thời gian thí điểm đề nghị cho triển khai đồng bộ, ổn định lâu dài, nhân rộng và tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo Việt Nam phát triển hiện đại, hội nhập với thế giới. Thứ hai, tiếp tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các bảng quảng cáo tại các vị trí đang nằm trong Quy hoạch theo quy định của pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính thông thoáng để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị có liên quan đến quy định về quy hoạch quảng cáo ngoài trời để xem xét, hoàn thiện quy định trong quá trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo.

Trước đó, ngày 6/4, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có buổi gặp mặt với hội viên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội để Lắng nghe những khó khăn, góp ý và đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành Quảng cáo. Các doanh nghiệp quảng cáo cho rằng, mặc dù UBND TP. Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mạnh mẽ để chấn chỉnh các sai phạm, đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, nhưng vẫn còn một số bất cập. 

img_9055-153453
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa có buổi gặp mặt với hội viên, doanh nghiệp hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội

Cụ thể, doanh nghiệp quảng cáo chưa tiếp cận được với quy hoạch quảng cáo do UBND TP Hà Nội ban hành theo quyết định số 1997/QĐ- UBND từ ngày 23/4/2018 về việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bản TP Hà Nội đến năm 2020, định hưởng đến năm 2050. Vì thế, các bảng quảng cáo nằm trong quy hoạch có lúc còn không xin được gia hạn thông báo nội dung sản phẩm quảng cáo thì vị trí mới càng khó xin, khiến các doanh nghiệp lúng túng không biết đi theo hướng nào.

Sự chồng chéo giữa các quyết định, nghị định gây khó khăn, vướng mắc không chỉ cho doanh nghiệp quảng cáo, mà còn gây khó khăn cho cả việc phê duyệt quy hoạch quảng cáo của toàn TP Hà Nội. Điều này không những gây khó khăn cho Sở Văn hóa và Thể thao trong việc quản lý quảng cáo, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin gia hạn nội dung quảng cáo, mà còn gây hoang mang cho các khách hàng có nhu cầu quảng cáo.

Mặt khác, việc chuyển đổi quyền quản lý đất công giữa các sở ban ngành thiếu sự thống nhất, dẫn đến hiện trạng các biển quảng cáo hợp pháp trước đây đang tồn tại nhưng hiện tại không ký được hợp đồng thuê đất. Việc này vừa gây thất thu cho ngân sách của TP Hà Nội, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi hình thức quảng cáo cho đẹp hơn, hiện đại hơn phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong ngành quảng cáo.

Cùng chuyên mục