Thứ ba, 28/11/2023, 14:54 (GMT+7)

Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết giảm, người dân không được chủ quan

Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn Hà Nội vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 ở trong khoảng từ 2.600 - 2.700 ca/tuần thì nay đã giảm xuống còn hơn 2.200 ca/tuần.

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 5.903 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong. So với tuần trước đó, số mắc đã giảm 18,2% trong đó. Số nhập viện là 4.568, giảm 18,2 % so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 149.557 trường hợp mắc, 36 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 số mắc giảm 53,2%, số tử vong giảm 109 trường hợp.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 17/11 đến 24/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm gần 240 ca so với tuần trước đó và giảm khoảng 400 ca so với những tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023 ở mức 2.600 - 2.700 ca/tuần. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần là Hà Đông (272 ca), tiếp đến là Thanh Oai (191 ca), Phú Xuyên (160 ca), Đống Đa (132 ca).

sot xuat huyet
Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội đang giảm

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 4 ca tử vong. Đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.876 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 116 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, thị xã.

CDC Hà Nội dự báo dù số ca mắc giảm nhưng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thậm chí, số ca mắc ghi nhận có thể vẫn ở mức cao trong những tuần tiếp theo, nguy cơ có thêm các trường hợp nặng và tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ở nước ta vẫn ghi nhận sự lưu hành đan xen giữa 4 chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Trong đó, chủng D1, D2 phổ biến hơn chủng D3, D4. Mỗi người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời tương ứng với 4 chủng virus sốt xuất huyết. Đặc biệt, nếu mắc bệnh lần thứ 2 trở đi với các chủng virus còn lại, bệnh có thể nặng hơn, trong đó chủng virus D2 thường nặng hơn so với các chủng khác.

Bệnh sốt xuất huyết sẽ tồn tại nếu có đủ điều kiện môi trường cho muỗi Aedes aegypty phát triển, đó là nước đọng (tăng vào mùa mưa) và nền nhiệt đủ ấm (lý tưởng ở 22 - 24 độ C).

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...

Cùng chuyên mục