Hà Nội: Thêm tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết
Theo kết quả giám sát mới đây, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm tuýp virus thứ 3 là D3 gây bệnh sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10/11 đến 17/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm 54 ca so với tuần trước đó. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Thanh Oai (209 ca), Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).
Tuần qua ghi nhận 69 ổ dịch tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ổ dịch như: Đống Đa có 8 ổ dịch; Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng - mỗi nơi có 7 ổ dịch; Hà Đông (6 ổ dịch); Thanh Trì (5 ổ dịch)…
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.347 ca), Hoàng Mai (2.170 ca), Thanh Oai (2.087 ca), Phú Xuyên (2.041 ca), Đống Đa (1.928 ca), Thanh Trì (1.755 ca). Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.826, hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Cũng theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát mới đây của tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3. Như vậy, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.
Có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành ở Việt Nam là D1, D2, D3 và D4. Do đó, 1 người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch: Sóc Sơn, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Ứng Hòa, Đông Anh. Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
- Hà Nội ghi nhận số ca sốt xuất huyết giảm
- Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng trở lại, khi nào người bệnh cần truyền tiểu cầu?
- 35 người tử vong do sốt xuất huyết, tình hình dịch vẫn phức tạp
- Người Việt đang ăn thừa muối, làm sao để giảm lượng muối ăn hàng ngày?
- Ngất xỉu do hít phải khí độc, cách phòng tránh thế nào?
- Bạn cần chú ý những gì khi chăm sóc da mùa đông?
- Sóng wifi có gây bệnh ung thư không?
- Gần đứt rời cánh tay do vạt áo chống nắng cuốn vào bánh xe, cách phòng tránh thế nào?
- Sự cô đơn gây hại cho sức khỏe tương đương hút 15 điếu thuốc mỗi ngày