Gia đình trẻ sống ở thành phố lớn: Làm sao để tiết kiệm mà vẫn đủ đầy?
Thu nhập không cao, chi phí sống ở thành phố lại đắt đỏ – nhiều cặp vợ chồng trẻ luôn cảm thấy "hụt hơi" khi nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Nhưng với chị Trang (30 tuổi, Hà Nội) tiết kiệm là hoàn toàn có thể, miễn là bạn có chiến lược phù hợp.
“Tụi mình chưa bao giờ cảm thấy phải ‘thắt lưng buộc bụng’, chỉ là học cách tiêu đúng, mua đúng lúc và dùng đúng cách thôi” – chị Trang chia sẻ.
Không chi nhiều, nhưng vẫn đủ đầy
Với tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Trang vừa nuôi con nhỏ, vừa lo trả góp căn hộ chung cư. Áp lực là có thật, nhưng thay vì cắt giảm vô tội vạ, chị chọn cách “tối ưu từng đồng”.

Ăn uống tại nhà 80% thời gian: Thay vì đi ăn hàng nhiều lần trong tuần, chị Trang dành cuối tuần để nấu những bữa ăn ngon – vừa chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí hơn nhiều lần. “Trưa vẫn ăn cơm văn phòng cho tiện, nhưng tối là cả nhà ăn cơm cùng nhau, vừa gắn kết, vừa không tốn kém”, chị nói.
Đi chợ thông minh, tận dụng khuyến mãi: Chị Trang dùng các app siêu thị để theo dõi giảm giá, mua đồ khô, đồ dùng vệ sinh theo combo hoặc thời điểm có ưu đãi mạnh. “Mỗi tháng nhờ săn deal mà tiết kiệm được gần 1 triệu, cộng dồn lại thấy không hề nhỏ”.
Tiết chế mua sắm - không đồng nghĩa với thiếu thốn
Trước đây, chị Trang từng thích mua sắm online theo cảm hứng. Từ khi có con nhỏ và mục tiêu tài chính rõ ràng hơn, chị bắt đầu thay đổi:
Lập danh sách trước khi mua, tránh sa vào quảng cáo hoặc các chương trình “flash sale” nhất thời.
Chọn đồ bền, dùng được lâu, ưu tiên chất lượng thay vì giá rẻ nhất.
Tái sử dụng, tận dụng đồ có sẵn: quần áo con nhỏ được chị phân loại để dùng lại khi có em bé thứ hai, hoặc tặng lại người quen. Đồ gia dụng hỏng nhẹ thì sửa trước khi mua mới.
"Mua đồ không phải cứ đắt là tốt, mà phải hợp, dùng được lâu. Nhờ vậy, mình cảm thấy ít bị phụ thuộc vào mua sắm để giải tỏa cảm xúc như trước kia".
Vẫn có khoản “cho mình”
Chị Trang chia sẻ, hai vợ chồng thống nhất mỗi tháng vẫn giữ lại một khoản riêng gọi là “quỹ tự do” - dùng cho việc cá nhân như cà phê với bạn bè, mua một cuốn sách yêu thích hay món đồ nhỏ cho bản thân.

“Nếu tiết kiệm mà lúc nào cũng thấy bí bách thì không duy trì được lâu. Nên mình cho phép bản thân được ‘xả’ một chút – có giới hạn, nhưng hợp lý”.
Ghi chép tài chính - thói quen “thay đổi cuộc đời”
Mấu chốt trong hành trình tiết kiệm của vợ chồng chị Trang chính là theo dõi chi tiêu hàng tháng. Từ lúc bắt đầu ghi chép, chị nhận ra có những khoản chi không cần thiết mà trước đó không để ý tới.
“Trước khi ghi, tụi mình hay bị hụt lương mà không hiểu lý do. Giờ thì mỗi đồng chi ra đều được theo dõi. Hết tháng nhìn lại, mình có thể điều chỉnh cho tháng sau”, chị nói.
Tiết kiệm không đồng nghĩa với sống kham khổ. Với gia đình trẻ sống ở thành phố lớn, cách tiêu tiền thông minh có thể giúp giữ được chất lượng sống, vẫn để dành được khoản dự phòng mỗi tháng mà không phải hy sinh quá nhiều.
“Chỉ cần thay đổi vài thói quen nhỏ, tư duy tiêu dùng sẽ khác hẳn. Và khi tài chính được kiểm soát, mình sống nhẹ đầu hơn rất nhiều” – chị Trang kết luận.