Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 - Cơ hội và thách thức
Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đã mang lại những lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn gặp những thách thức trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt…
Thay đổi phương thức sản xuất từ các ứng dụng công nghệ
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 15 nhóm ngành phổ biến trong ngành sản xuất: dệt may; sản xuất máy móc thiết bị, cơ khí; công nghiệp điện tử; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất dược phẩm; sản xuất trang thiết bị y tế; sản xuất mỹ phẩm; sản xuất nội thất; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; công nghiệp năng lượng; công nghiệp khai thác khoáng sản; sản xuất hóa chất; công nghiệp sản xuất giấy in và văn phòng phẩm; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác...
Ngành sản xuất chiếm khoảng 1/3 GDP của Việt Nam và 85% xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các ngành sản xuất giúp hiện đại hóa nông nghiệp, vốn là xương sống của nền kinh tế của Việt Nam, làm giảm sự phụ thuộc nhiều của người dân vào lĩnh vực nông nghiệp và tạo việc làm trong các lĩnh vực cấp 2 (liên quan đến sản xuất, ví dụ như sản xuất ô tô và thép) và cấp 3 (cung cấp một dịch vụ, ví dụ như giảng dạy và điều dưỡng). Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến thông qua khái niệm Công nghiệp 4.0 đã nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, việc nắm bắt và áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển. Sự phát triển vượt trội của công nghệ đã thúc đẩy sự đầu tư đáng kể vào chuyển đổi số, nhất là khi các doanh nghiệp thực sự nhận ra các khó khăn trong việc cải thiện năng suất lao động và bảo trì, bảo dưỡng, thay thế các tài sản cũ hiện hành. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt, yêu cầu phải chuyển đổi trở nên càng cấp bách hơn. Đối mặt với các sự thay đổi đột ngột như định trệ trong hoạt động kinh doanh tại khu vực, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tồn đọng hàng hóa trong sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu nhìn thấy rõ lợi thế của việc thúc đẩy các sáng kiến số liên quan đến nhà máy thông minh sẽ giúp giải quyết các nhu cầu cấp bách ra sao.
Theo nhận định và phân tích của các nhà kinh tế, công nghệ 4.0 cho phép các doanh nghiệp thực hiện sản xuất linh hoạt và tùy chỉnh sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả hơn; công nghệ như máy in 3D và robot hợp tác cung cấp các công cụ để sản xuất theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, công nghệ số hóa cũng cho phép các doanh nghiệp tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ, liên kết các nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình cung ứng, giảm thiểu chi phí và thời gian vận chuyển và tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng đối với yêu cầu của thị trường.
Cùng với đó, sự phát triển của IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), và máy học (Machine Learning) cho phép các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tăng cường tự động hóa. Điều này giúp tăng cường hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Thêm nữa, sự kết hợp của IoT và AI cũng mở ra cơ hội cho việc phát triển sản phẩm thông minh và kỹ thuật số. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ như thiết bị đeo thông minh, cảm biến, và phần mềm để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có khả năng kết nối và tương tác với môi trường sống của người tiêu dùng. Mặt khác, sự phát triển của thị trường quốc tế và sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; công nghệ số hóa cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm các thị trường mới một cách hiệu quả hơn.
Giải pháp phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến đã mang lại những lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam vẫn gặp những thách thức trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt…
Theo đó, thứ nhất, phải kể đến bài toán ngân sách: Khi quyết định chuyển đổi số, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi quy trình, hệ thống, và cả con người. Điều này đòi hỏi một ngân sách đủ lớn để làm đồng bộ, toàn diện, không chắp vá.
Thứ hai là những thách thức về thay đổi tư duy: Chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng của công nghệ mà là bài toán khó của chính con người. Cho dù sở hữu một hệ thống tiên tiến, hiện đại, nhưng tư duy lối mòn sẽ trở thành rào cản khiến công nghệ không được khai thác triệt để và ứng dụng hiệu quả.
Thứ ba, lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của mình chính là thách thức lớn thứ ba mà doanh nghiệp phải đối mặt. Làm thế nào để có giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình khi mà những công nghệ mới như AI, Machine Learning, IoT, mô hình 3D hay Cloud đang phát triển mạnh mẽ?
Chính vì vậy, để tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, theo tôi, Chính phủ cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực của địa phương, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, định hướng cho việc sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, giúp doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam cần phải được thiết kế để đảm bảo có thể tận dụng các cơ hội mới từ sự phát triển công nghệ.
Trong đó, Chính phủ có thể đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ cho lao động trong ngành sản xuất. Điều này bao gồm cả việc hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề, các khoá học về công nghệ mới, và việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Song song đó, Chính phủ có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như vay vốn ưu đãi, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để họ có thể đầu tư vào công nghệ mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất, và mở rộng quy mô kinh doanh.
Tiếp đó, Chính phủ có thể tạo ra các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cấp tài trợ cho các dự án nghiên cứu, đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, và thiết lập các cơ chế khuyến khích đối với việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất.
Ngoài ra, Chính phủ có thể thúc đẩy việc giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và đảm bảo một hệ thống pháp lý và thuế lệ thuộc lô gíc và dễ hiểu đối với các doanh nghiệp sản xuất. Chính phủ cũng có thể tạo ra các cơ hội hợp tác công nghiệp bằng cách tạo ra các khu công nghiệp đặc biệt hoặc các vùng kinh tế đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp và đầu tư trong các lĩnh vực cụ thể của công nghiệp sản xuất.
Tính chung quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 392,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 9,7 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2024 là 724,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2024 lên gần 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Trương Gia Bảo
Phó Chủ tịch phụ trách Ban Công nghệ và Phát triển bền vững - Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam
- Khó khăn và thuận lợi của Doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng kinh nghiệm chuyển đổi số từ thế giới
- Chuyển đổi số sẽ định hình ngành quảng cáo trong vòng 5 năm tới
- Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam: Từng bước chuyển đổi số cho mỗi doanh nghiệp trong Hiệp hội
- Dự án phát triển báo chí Việt Nam tổ chức hội thảo về công tác chuyển đổi số trong hoạt động phát thanh, truyền hình
- Trung Tâm XTTM Nông Nghiệp - Bộ NN&PTNN và TikTok ký kết Hợp tác Chiến lược Nâng cao Năng lực Chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia
- Tọa đàm 'Xu hướng đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số cho ngành truyền thông quảng cáo Việt Nam'