Khó khăn và thuận lợi của Doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng kinh nghiệm chuyển đổi số từ thế giới
Chuyển đổi số tạo ra cho Doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn vô vàn khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có những chia sẻ rất sâu sắc về vấn đề này.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trên mọi ngành nghề. Với sự trợ giúp của chuyển đổi số, hiệu quả quản lý, năng suất làm việc hay chất lượng công việc đều sẽ được nâng cao ở mức tối đa.
Khi nhắc đến thực trạng chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Trường Sơn, chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng: “Chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội nhưng khó khăn, thách thức cần vượt qua là vô cùng lớn”.
Cơ hội đầu tiên mà quá trình chuyển đổi số đem lại chính là xây dựng được mô hình tối ưu, hiệu quả giúp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, thậm chí là những khách hàng ở địa bàn xa. Đặc biệt, với mô hình hiệu quả thì việc gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Tiếp bước thành công từ việc mở rộng khách hàng, chuyển đổi số sẽ mang đến những nghiên cứu, phát triển để tìm ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Sự hợp tác giữa các công ty về công nghệ với các doanh nghiệp sẽ ngày càng sâu rộng, mang đến nhiều lợi ích cho cả khách hàng và mỗi doanh nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn cho biết sự quyết tâm, chủ động của Chính phủ và các bộ, ban, ngành đang tạo động lực và điều kiện rất lớn để cùng doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần ưa chuộng các nền tảng online thì việc chuyển đổi sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Bên cạnh những cơ hội, thách thức và khó khăn của các Doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi vẫn còn rất lớn. Điều đáng lo ngại thứ nhất chính là cơ sở hạ tầng, đường truyền và mạng di động còn chưa vững chắc. Sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn và thành thị ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quá lớn khiến quá trình chuyển đổi số không được đồng đều.
Vấn đề tiếp theo chính là thách thức về chất lượng đội ngũ, chuyên gia giỏi. Nhân lực chuyển đổi số từ nhà quản lý đến các chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số còn rất thiếu hụt. Mặc dù mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin nhưng để làm việc chuyên sâu thì cần thêm thời gian đào tạo. Điều này khiến các doanh nghiệp không thể bắt kịp với xu thế chuyển đổi số như hiện nay.
Hiện nay, nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của chuyển đổi số vẫn còn khá hạn chế. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16 trong 17 ngành nghề được khảo sát có mức độ sẵn sàng để tham gia vào chuyển đổi số. Đáng chú ý, hơn 80% doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu về chuyển đổi số.
Thách thức cuối cùng thuộc về vấn đề an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa. Theo thống kê của Hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất; đứng thứ 4/10 quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc qua mạng và 1/10 các quốc gia bị lây nhiễm mã độc từ sử dụng các thiết bị lưu trữ rời (USB, thẻ nhớ ngoài).
Bài toán thách thức, khó khăn sẽ cần phải được giải quyết nhanh chóng để kích thích quá trình chuyển đổi số được “phủ sóng” trên toàn quốc.