Đầu tư cho con đi học như thế nào là phù hợp?
Giáo dục luôn được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai, với khát vọng dành những điều tốt nhất cho con cái. Nhiều phụ huynh dù không đủ điều kiện kinh tế cũng chọn vay mượn để đầu tư cho việc học của con. Điều này là thực sự cần thiết, nếu không có sự đầu tư phù hợp mang đến rủi ro tài chính, tạo áp lực không nhỏ cho gia đình.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) chia sẻ: “Phụ huynh Việt Nam rất coi trọng việc học, chỉ có việc học lên cao mới có cơ hội đổi đời, cơ hội thành công và thăng tiến. Đó là một đầu tư đúng hướng. Nhưng việc phải vay nợ để đầu tư con học thì chúng ta cần cân nhắc, sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng nếu quá sức ép về áp lực tài chính. Điều quan trọng, việc đầu tư có đúng với kỳ vọng và sở thích của con hay không. Để giải quyết vấn đề, hãy chi tiêu phù hợp với tài chính gia đình và khả năng của con”.
Chị N.N. T.H (tỉnh Đồng Tháp) tiết lộ: “Chúng tôi vay hơn 300 triệu đồng để con được học trường đại học tại TP.HCM. Mỗi tháng chúng tôi phải trả lãi mỗi tháng 5 triệu đồng. Vì con thích học trường đó và nghĩ cho tương lai của con, chúng tôi bấm bụng để đầu tư cho con”.
![1I0BM7F9Q_3I5J0C](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhabaophale@gmail.com/2025/02/13/67ad5a37e086d.jpg)
Anh T. T. Q (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi phải đi vay tín dụng đen để kịp cho con nộp học phí du học, lúc đó tôi nghĩ đến tương lai của con. Nhưng bây giờ, phần nợ đó vẫn chưa trả hết, vợ chồng tôi thường xuyên căng thẳng vì không đủ tiền sinh hoạt hàng tháng”.
Thạc sĩ Nguyễn An Huy (Chuyên gia Hoạch định tài sản cá nhân) chia sẻ: “Phải xem xét mức thu nhập của chúng ta, mức chi tiêu, mức độ ổn định ta có thể xác định mức vay phù hợp nhất. Chúng ta cùng con xác định rõ mục tiêu giáo dục để phù hợp với con và với cha mẹ. Chúng ta tìm hiểu khoản vay phù hợp nhất để phù hợp với tài chính gia đình như: Vay thế chấp bất động sản, vay từ quỹ hỗ trợ giáo dục tại các trường đại học… Điều quan trọng, chúng ta phải có thêm quỹ dự phòng từ 6-9 tháng chi tiêu trong những trường hợp khó khăn về kinh tế”.
![850e227253be1bdf65ec688419b660c4](https://media.tiepthigiadinh.vn/files/nhabaophale@gmail.com/2025/02/13/67ad5a8cac925.jpg)
Dưới góc nhìn của một người mẹ, Tiến sĩ Thu Hương khẳng định bản thân không bao giờ nghĩ mình đầu tư cho con thì tương lai mình sẽ sinh lời thế nào và chưa bao giờ thử tính đầu tư như vậy con phải trả lại gì. Điều quan trọng nhất khi bà chi tiền cho con học, là để con có thể tự đứng trên đôi chân của mình phát triển sự nghiệp và khám phá cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bàn sâu thêm về việc đầu tư tài chính cho con, Tiến sĩ Anh Khôi cho biết, mỗi gia đình có một định hướng khác nhau, không có cái nào đúng nhất, nhưng điều quan trọng phải lưu ý là không bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ, cho dù là chứng khoán, trái phiếu hay giáo dục.
"Có nhiều cha mẹ chỉ đầu tư vào giáo dục cho con mà không có sự bảo vệ - khoản tiền để dành lo những lúc bất trắc, hoặc chỉ đầu tư bất động sản mà bỏ qua con cái...", ông nói thêm.
Đầu tư vào giáo dục là điều rất quan trọng, nhưng các bậc cha mẹ phải lập kế hoạch tài chính rõ ràng, phù hợp với gia đình và hãy trò chuyện với con về định hướng và mong muốn của con để đầu tư hiệu quả.