Thứ năm, 14/11/2024, 08:11 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chấn chỉnh tình trạng hội đồng trường đại học hoạt động kém hiệu quả

Hạn chế, bất cập của nhiều hội đồng trường đại học hiện nay là sự tham gia không thực chất của các thành viên, đặc biệt là người ngoài. Nhiều người không am hiểu về giáo dục đại học, văn hóa trường hoặc không có thời gian, tâm huyết đóng góp.

Tồn tại hình thức, cho đủ cơ cấu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc xử lý thông tin báo nêu về hội đồng trường của trường đại học.

Theo đó, thời gian gần đây, báo chí đăng các bài về một số hạn chế, bất cập về hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay là sự tham gia không thực chất của các thành viên, đặc biệt là người ngoài. Nhiều người không am hiểu về giáo dục đại học, văn hóa trường hoặc không có thời gian, tâm huyết đóng góp.

Những người này chỉ để lấy tiếng và tham gia để đủ thành phần, thậm chí thường vắng mặt, không đưa ra ý kiến chiến lược. Trong khi đó, thành viên nội bộ ngại đưa ra ý kiến trái chiều vì sợ mất lòng lãnh đạo hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân.

dh
Ảnh minh họa.

Một hạn chế nữa là việc chọn thành phần hội đồng trường theo cơ cấu tỷ lệ hơn là dựa vào năng lực và kinh nghiệm. Một số người được đưa vào hội đồng trường không phải vì họ có khả năng đóng góp cho sự phát triển của trường mà vì họ thuộc cơ quan chủ quản hoặc có quan hệ thân thiết với các lãnh đạo nhà trường.

Chính điều này làm cho nhiều hội đồng trường mất đi tính thực quyền và tính độc lập, do các thành viên không đủ khả năng đưa ra các quyết định mang tính chiến lược cho sự phát triển của nhà trường. Thêm nữa, quyền hạn của hội đồng trường chưa thật rõ ràng.

Sau khi xem xét thông tin phản ánh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng và quy định pháp luật về hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học; khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, để xảy ra tình trạng hội đồng trường tồn tại hình thức, hoạt động kém hiệu quả; kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền hoặc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.

Hội đồng trường của trường đại học công lập có tối thiểu bao nhiêu thành viên?

Theo khoản 1, Điều 55 Luật Giáo dục 2019, hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường, các bên có lợi ích liên quan. Trong đó, Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018).

Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn được quy định cụ thể như sau: Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;

Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;

Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;

Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hàng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường;

Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học;

Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Tại khoản 3, Điều 16 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018), số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định gồm: Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, bao gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học.

Thành viên trong trường đại học bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học. Trong đó, thành viên đương nhiên bao gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học. Thành viên bầu bao gồm đại diện giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của hội đồng trường; đại diện viên chức và người lao động.

Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.

Thành viên hội đồng trường thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; tham gia đầy đủ các phiên họp của hội đồng trường, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Hội đồng trường của trường đại học công lập có nhiệm kỳ 5 năm, theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 16 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018).

Cùng chuyên mục