Từ 2025, tăng quy mô của trường mầm non lên tối đa 30 nhóm, lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép những gì?
Đây là quy định mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Quy mô của trường mầm non phải đáp ứng yêu cầu nào?
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 31/1/2025.
Theo đó, tại khoản 4, Điều 1 Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT về quy mô của trường mầm non như sau: Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, xã có quy mô dân số dưới 5.000 người và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp; trường tại khu vực hải đảo có quy mô tối thiểu 3 nhóm, lớp;
Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường, bố trí không quá 5 điểm trường. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường. Trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.
Trước đó, theo quy định hiện hành, tại khoản 2, Điều 5 Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất về quy mô của các trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định, trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp. Đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp;
Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Bố trí không quá 5 điểm trường; đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường.
Như vậy, từ ngày 31/1/2025, quy mô của trường mầm non sẽ được tăng lên tối đa 30 nhóm, lớp thay vì 20 nhóm, lớp như quy định hiện hành. Ngoài ra, còn bổ sung thêm trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.
Mặt khác, với bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp so với quy định hiện hành. Còn ở bậc trung học phổ thông, quy mô số lớp tối đa là 50 lớp, tăng thêm 5 lớp so với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6 - 8m2 (tùy từng cấp học), thay vì 8 - 10m2 như quy định hiện hành.
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng thêm 2 tầng so với quy định cũ. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học cao không quá 5 tầng, tăng thêm 1 tầng so với quy định cũ…
Khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu sao?
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu đối với khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ ngày 31/1/2025 quy định, bảo đảm mỗi nhóm, lớp có một phòng, bao gồm các phân khu chức năng: Khu sinh hoạt chung để tổ chức các hoạt động học, chơi và ăn; nơi ngủ (đối với nhóm, lớp mẫu giáo có thể sử dụng chung với khu sinh hoạt chung);
Khu vệ sinh được xây dựng khép kín với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, có vách ngăn cao không nhỏ hơn 1,50 m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu, bố trí từ 2 - 3 tiểu treo dùng cho trẻ em trai (hoặc máng tiểu có chiều dài tối thiểu 2m) và từ 2 - 3 xí bệt dùng cho trẻ em gái, khu vực rửa tay của trẻ em được bố trí riêng với tiêu chuẩn 8 trẻ em/chậu rửa, các thiết bị vệ sinh được lắp đặt phù hợp với độ tuổi; đối với trẻ em mẫu giáo cần bố trí nhà vệ sinh riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái;
Trường hợp khu vệ sinh được xây dựng riêng biệt phải liên thông với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em qua hành lang giao thông, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát; có thể trang bị thêm hệ thống thiết bị cấp nước nóng phù hợp với điều kiện thực tế;
Cùng với đó, hiên chơi, đón trẻ em thuận tiện cho việc đưa, đón và sinh hoạt của trẻ em khi trời mưa, nắng; xung quanh hiên chơi cần có lan can với chiều cao không nhỏ hơn 1m; hệ thống chiếu sáng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chiếu sáng - mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc; hệ thống quạt (có thể trang bị thêm hệ thống điều hòa không khí phù hợp với điều kiện thực tế);
Tiếp đó, phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật liên thông với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em qua hành lang giao thông, bảo đảm có 1 phòng giáo dục nghệ thuật và 1 phòng (hoặc khu) giáo dục thể chất. Điểm trường có quy mô từ 5 nhóm, lớp trở lên, bố trí 1 phòng sử dụng chung cho giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất;
Sân chơi lắp đặt các thiết bị đồ chơi ngoài trời theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thư viện bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 theo quy định tiêu chuẩn thư viện trường mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục?
Điều 5 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục như sau: Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt, có thể thay thế diện tích khu đất xây dựng trường bằng diện tích sàn xây dựng và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng không thấp hơn diện tích đất bình quân tối thiểu cho một trẻ em theo quy định.
Có chương trình giáo dục, tài liệu, học liệu đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục: Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
Đối với trường hợp trường mầm non tư thục không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức đầu tư quy định tại điểm a khoản này.
Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non theo quy định.
Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
- Trường mầm non cần công khai thông tin thực đơn hàng ngày của trẻ
- Hôm nay (4/7), Hà Nội bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào trường mầm non
- Những dấu hiệu cho thấy cha mẹ đã chọn đúng trường mầm non cho con
- 4 hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, quy định cụ thể thế nào?
- Thuế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử: 4 thay đổi từ năm 2025, cá nhân, hộ kinh doanh cần nắm rõ
- Mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký: Người tiêu dùng dễ gặp những rủi ro nào?