Thứ ba, 19/11/2024, 16:55 (GMT+7)

Mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký: Người tiêu dùng dễ gặp những rủi ro nào?

Bộ Công thương cho biết, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro, trách nhiệm pháp lý

Thời gian gần đây, thông tin các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688... tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên chưa tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Trước thực trạng nhiều website thương mại điện tử chưa thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, mới đây, Bộ Công Thương đã cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) chưa đăng ký, đặc biệt là những sàn TMĐT xuyên biên giới.

tmdt
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn.

Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe…, người tiêu dùng sẽ khó yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm. Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước.

“Do không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại trở thành một vấn đề phức tạp và kéo dài”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cảnh báo, người tiêu dùng sẽ đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hoá bị cấm tại thị trường Việt Nam.

Đáng nói, đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và an toàn như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em và thiết bị điện tử, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Trong các trường hợp này, do các cơ quan chức năng không thể thực hiện công tác giám sát các trách nhiệm của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, trách nhiệm về đảm bảo tính chính xác của việc cung cấp thông tin về sản phẩm nên người tiêu dùng sẽ không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.

Đáng chú ý, nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký không có các cam kết về bảo mật thông tin người tiêu dùng theo quy định của Việt Nam, không có quy trình xử lý sự cố trong trường hợp xảy ra vấn đề và đương nhiên cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Việt Nam. Do đó, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân người tiêu dùng trong quá trình phát sinh các giao dịch trên các nền tảng chưa đăng ký trên là rất lớn, tiềm ẩn khả năng gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.

Nguy cơ lộ, lọt thông tin trên các nền tảng TMĐT chưa đăng ký, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo gì?

Trên cơ sở nhận biết, đánh giá các nguy cơ nêu trên, Bộ Công Thương khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng TMĐT, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người tiêu dùng có thể tra cứu danh sách các nền tảng TMĐT đã đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ trực tuyến online.gov.vn hoặc liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương theo số điện thoại 1800.6838 để có thêm thông tin tham khảo.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Thông tin trên báo chí, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – nhà sáng lập dự án Chongluadao cho biết, có một số rủi ro tiềm ẩn khi thêm thông tin thẻ tín dụng (bao gồm số thẻ, mã CVV, thông tin cá nhân) vào các nền tảng thương mại điện tử như Temu. Theo ông Hiếu, các nền tảng này thường lưu trữ thông tin thẻ trong cơ sở dữ liệu của họ để thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, nếu cơ sở dữ liệu này bị xâm nhập, hacker có thể đánh cắp thông tin nhạy cảm này.

Hiện tại việc Temu không sử dụng những phương thức thanh toán an toàn hợp pháp tại Việt Nam như MoMo, ZaloPay, VNPay, Napas... Thông tin dữ liệu nhạy cảm này không biết có được bảo mật hay không, khi những dữ liệu này được lưu trữ không phải ở Việt Nam. Đồng thời, website của Temu hiện tại cũng không có con dấu chứng thực của Bộ Công Thương, chuyên gia Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh.

Để phòng ngừa nguy cơ rủi ro bị hack thẻ tín dụng, chuyên gia Ngô Minh Hiếu khuyến cáo người dùng nên sử dụng xác thực hai yếu tố (2FA) cho tài khoản trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Đồng thời, tránh lưu thông tin thẻ trên các website nếu không cần thiết; kiểm tra thường xuyên các giao dịch trên thẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận; đảm bảo thiết bị luôn được cập nhật phần mềm và không tải phần mềm từ nguồn không đáng tin cậy.

Song song đó, người dùng nên sử dụng mạng riêng tư và tránh Wi-Fi công cộng khi thực hiện các giao dịch quan trọng. Đặc biệt, chỉ mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử uy tín, có con dấu logo xác nhận của Bộ Công Thương. Trong trường hợp phát hiện thẻ có dấu hiệu bị hack, người dùng nên liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ; kiểm tra lịch sử giao dịch và báo cáo các giao dịch bất thường; xem xét thay đổi mật khẩu trên các tài khoản có liên kết với thẻ và theo dõi chặt chẽ thông tin tài khoản trong thời gian sau đó, tránh tái sử dụng thẻ này trên các nền tảng đáng ngờ.

Bài viết này thuộc series Theo dòng sự kiện

Xem thêm
Cùng chuyên mục