Thứ sáu, 15/11/2024, 12:39 (GMT+7)

Tràn lan quảng cáo, rao bán pháo hoa trái phép trên mạng xã hội, người mua có phạm pháp?

Theo luật sư Lê Văn Hồi, việc mua bán pháo hoa trái phép, bao gồm cả hành vi mua bán pháo hoa qua mạng xã hội, sẽ bị xử phạt hành chính từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy theo mức độ và loại pháo vi phạm. Trong trường hợp nghiêm trọng, cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự.

Tết 2025 chưa đến, pháo hoa trên chợ mạng đã “nóng”

Chỉ cần gõ cụm từ “mua, bán pháo nổ, pháo hoa nổ”, “pháo hoa Z121”, "pháo hoa 2025" vào ô tìm kiếm trên Facebook là hàng loạt trang fanpage, hội nhóm rao bán pháo hoa công khai với đa dạng chủng loại lập tức được hiển thị. Một số fanpage như: “Mua bán pháo hoa Z121 Bộ Quốc phòng rẻ, uy tín”, “Mua bán, giao lưu pháo hoa Z121 miền Bắc”, “Hội chơi pháo hoa Z121 Bộ Quốc phòng”, “Tổng kho pháo hoa Bộ Quốc phòng Z121”… thu hút hàng chục nghìn thành viên theo dõi và tham gia nhằm mục đích giao dịch mua bán các loại pháo hoa trái phép.

phao
Hàng loạt hội nhóm rao bán pháo hoa Tết 2025 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, ở các fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội đều xuất hiện những bài viết, bình luận quảng cáo bán pháo. Điểm chung của các bài viết này là đều quảng cáo bán pháo hoa chính hãng Bộ Quốc phòng, hóa đơn đóng dấu đầy đủ cho từng giàn, giao hàng toàn quốc… kèm theo đó là công khai hình ảnh, video các loại pháo hoa nhằm tăng độ tin cậy, cũng như thu hút khách hàng.

Đáng chú ý, toàn bộ giao dịch về việc mua, bán pháo hoa đăng tải một cách công khai và diễn ra vô cùng sôi nổi, một số tài khoản trên hội nhóm còn công khai để lại số điện thoại để người mua liên hệ. Không chỉ vậy, một số tài khoản có công khai giá niêm yết cho mỗi loại pháo trên bài viết của mình.

Trong vai người có nhu cầu mua pháo hoa chơi dịp Tết, phóng viên liên hệ với tài khoản N.Đ để hỏi giá thành sản phẩm. Tài khoản này báo giá, các sản phẩm phun viên (loại năm 2024) giá bán sỉ là 317.000 đồng/giàn – bán lẻ là 340.000 đồng/giàn; giàn phun viên nhấp nháy (loại năm 2024) giá bán sỉ là 322.000 đồng/giàn – bán lẻ là 350.000 đồng/giàn; giàn phun viên đặc biệt 36 ống (loại năm 2023) giá bán lẻ là 620.000 đồng/giàn. Đáng nói, khi so sánh với giá pháo hoa Z121 của Bộ Quốc phòng niêm yết, giá bán chính hãng vẫn rẻ hơn so với giá trên mạng xã hội.

Cá nhân kinh doanh pháo hoa trên mạng có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với phóng viên Tiếp thị và Gia đình, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc mua bán pháo hoa rầm rộ trên mạng xã hội trước Tết thực ra không phải là hiện tượng mới, và nó cũng phản ánh một vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù pháo hoa là một phần của các lễ hội truyền thống, nhưng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, việc mua bán pháo hoa trái phép vẫn diễn ra phổ biến, gây ra nhiều rủi ro về an toàn và trật tự xã hội.

phaophao
Việc cá nhân quảng cáo, giới thiệu, mua bán pháo hoa qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật.

Trước Tết Nguyên Đán, nhu cầu về pháo hoa thường tăng cao, vì mọi người mong muốn tạo không khí lễ hội, làm đẹp cho không gian đón Tết. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo hoa (trừ loại do cơ quan chức năng cấp phép trong một số sự kiện đặc biệt) là vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, các đối tượng buôn bán vẫn tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng cáo và bán pháo hoa, tạo ra sự thuận tiện cho người tiêu dùng, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy nổ, gây thương tích hoặc rối loạn trật tự công cộng.

Theo luật sư Lê Văn Hồi, tại Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, pháp luật Việt Nam hiện quy định rất rõ ràng về hai loại pháo: Pháo nổ và pháo hoa không có thuốc nổ.

Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Việc sản xuất, mua bán, sử dụng và vận chuyển pháo nổ là hoàn toàn bị cấm đối với cá nhân. Các hành vi liên quan đến pháo nổ không chỉ bị xử phạt hành chính mà có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, pháo hoa không có thuốc nổ (còn gọi là pháo hoa tầm thấp) là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đây là loại pháo hoa duy nhất mà cá nhân được phép sử dụng, tuy nhiên, phải mua tại các cơ sở được ủy quyền bởi Bộ Quốc phòng. Loại pháo này không gây tiếng nổ và chủ yếu phục vụ mục đích trang trí trong các dịp lễ, tết, đám cưới…

Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cũng quy định về sử dụng pháo hoa như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng về sử dụng pháo trong dịp Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật và chỉ được mua pháo hoa tại các doanh nghiệp được phép kinh doanh pháo hoa.

Cùng đó, theo Điều 14 Nghị định số 137/2020, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Đồng thời phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó với sự cố và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, các cá nhân không được phép kinh doanh pháo, kể cả pháo của Bộ Quốc phòng sản xuất. Việc cá nhân quảng cáo, giới thiệu, mua bán pháo hoa qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật.

“Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được cấp phép kinh doanh pháo hoa, đó là Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (Tổng Công ty GAET). Khi mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng tại các cửa hàng bán lẻ, người dân sẽ nhận được hóa đơn bán lẻ và cần giữ lại hóa đơn này để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng, lưu ý khi sử dụng pháo hoa của Bộ Quốc phòng để tránh nguy hiểm cho bản thân và gây ra cháy nổ, luật sư Lê Văn Hồi cho biết thêm.

Cũng theo luật sư Lê Văn Hồi, việc mua bán pháo hoa trái phép, bao gồm cả hành vi mua bán pháo hoa qua mạng xã hội, sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, hành vi mua bán, vận chuyển pháo hoa trái phép có thể bị phạt tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy theo mức độ và loại pháo vi phạm.

Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu hành vi mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản, cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như “buôn bán hàng cấm”, “gây rối trật tự công cộng”, hoặc “hủy hoại tài sản”.

Ngoài ra, sử dụng pháo hoa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là pháo mua bán trực tuyến, tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn, dễ gây cháy nổ và tai nạn nghiêm trọng. Việc sử dụng pháo không được kiểm định có thể gây thương tích cho bản thân và người xung quanh, gây ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường thêm các chương trình truyền thông và tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định và hạn chế liên quan đến việc sử dụng pháo hoa. Việc mua bán pháo hoa trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho xã hội. Người dân cần ý thức rằng việc sử dụng pháo hoa sai quy định không chỉ khiến họ đối mặt với rủi ro pháp lý mà còn tiềm ẩn những hệ lụy không lường trước được về sức khỏe và an toàn.

Cùng chuyên mục