Thứ tư, 26/03/2025
logo
Xu hướng thị trường

Cuộc đua cạnh tranh lãi suất thấp, ngân hàng nào đang cho vay mua nhà tới 50 năm?

Lương Thụy Bình Thứ sáu, 07/03/2025, 14:26 (GMT+7)

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang cần những cú hích để phục hồi, hàng loạt ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho vay mua nhà. Đáng chú ý, Ngân hàng HDBank cho vay với lãi suất từ 4,5%/năm, thời hạn vay tối đa 50 năm.

Chính thức giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2025, người dân, doanh nghiệp cần biết nếu muốn tiếp cận nhà ở với chi phí ưu đãi

Số tiền ‘khổng lồ’ dự kiến hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội trong năm 2025

Lãi suất ngân hàng hôm nay 26/2: Ngân hàng top đầu đồng loạt giảm lãi suất, nhiều kỳ hạn mất mốc 6%/năm

Đua giảm lãi suất cho vay mua nhà

Tại buổi làm việc các ngân hàng thương mại mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn...

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên tung ra gói vay “Ngôi nhà đầu tiên” dành cho người dưới 35 tuổi, lãi suất từ 5,5% được cố định trong 5 năm. Với gói vay này, ngân hàng đưa ra thời gian vay lên đến 30 năm, người vay có thể linh hoạt trả nợ với số tiền nhỏ trong những năm đầu và tăng dần theo thu nhập trong tương lai.

Nối bước ACB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tung ra thị trường gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm trong 3 tháng đầu, cho vay mua nhà đối với người trẻ. Khách hàng được vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua và miễn trả nợ gốc lên đến 60 tháng đầu tiên (tương đương 5 năm), thời hạn vay của gói cũng được kéo dài lên đến 35 năm.

Cùng với các ngân hàng trên, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) gây chú ý khi triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng với thời gian vay lên đến 50 năm. Mức lãi suất cho vay mua nhà khởi điểm là 4,5%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu, với khoản vay tối đa lên đến 50 tỷ đồng, giải ngân 90% giá trị tài sản bảo đảm. Khách hàng được ân hạn nợ gốc tối đa 5 năm, giúp giảm áp lực tài chính trong giai đoạn đầu sở hữu nhà ở.

noxh
Ảnh minh họa.

Không đứng ngoài cuộc, Ngân hàng Lộc Việt (LPBank) cũng công bố gói vay quy mô 5.000 tỷ đồng, áp dụng mức lãi suất khởi điểm chỉ từ 3,88%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Đây là một con số cạnh tranh so với mặt bằng chung. Khách hàng từ 18 - 45 tuổi có thể tiếp cận gói vay để mua nhà, xây dựng hoặc trang bị nội thất. Đáng chú ý, LPBank cho phép khách hàng vay tới 100% nhu cầu vốn, với thời hạn vay tối đa lên đến 35 năm và ân hạn nợ gốc tới 24 tháng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai gói vay ưu đãi mua nhà với lãi suất chỉ từ 5,2%/năm dành riêng cho nhóm khách hàng dưới 35 tuổi. Số tiền vay lên tới 80% giá trị căn nhà và thời gian trả lên tới 25 năm.

Sau đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng ra mắt gói vay “Vững tổ ấm - Chắc tương lai” dành cho khách từ 22 đến dưới 35 tuổi, lãi suất từ 3,68%/năm, được cố định trong 36 tháng.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 0%, hướng đến khách hàng cá nhân, đặc biệt là người trẻ dưới 35 tuổi, nhằm hỗ trợ mua nhà, tiêu dùng và sản xuất kinh doanh…

Ở diễn biến liên quan khác, trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề nghị một số giải pháp để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền có mức giá không quá 35 triệu đồng/m2, căn hộ giá không quá 3 tỷ đồng và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ (từ 18 - 45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6 - 7%/năm, được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó). Thời hạn vay 10 - 15 năm sẽ tạo “cú hích”, khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc các dự án bất động sản hiện hữu, chuyển hướng đầu tư sang phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.

Người trẻ mua nhà cần chú ý những gì?

Đối với thủ tục vay mua nhà, theo chia sẻ từ tư vấn viên ngân hàng, khách hàng cần thực hiện một số bước cơ bản, bao gồm chứng minh thu nhập hàng tháng qua sao kê lương, hợp đồng lao động… Đồng thời, người vay phải có tài sản thế chấp, có thể là bất động sản sẵn có hoặc chính căn nhà dự định mua. Trong trường hợp khách thế chấp bằng căn nhà mua mới, ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ. Ngoài ra, ngân hàng cũng tiến hành thẩm định giá trị bất động sản để xác định hạn mức vay phù hợp.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tuy lãi suất cho vay mua nhà đang giảm thông qua các gói tín dụng mới từ ngân hàng, song giá bất động sản cao và nguồn cung nhà hợp lý còn hạn chế vẫn là rào cản lớn đối với người mua nhà.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế đánh giá, các gói vay ưu đãi từ ngân hàng có thể giúp người trẻ tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn. Lãi suất thấp là một trong những yếu tố giúp khách hàng cân nhắc để vay ngân hàng để mua nhà.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý rằng, chính sách ưu đãi lãi suất chỉ là một trong những điều kiện, quyết định quan trọng nhất là nguồn cung với những căn hộ, nhà đất ở phân khúc phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Nếu lãi suất thấp mà thị trường chủ yếu là căn hộ cao cấp cũng khó tìm khách vay. Theo vị chuyên gia, không ít người chưa mặn mà đi vay là do giá bất động sản đang quá cao.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến cáo, mức lãi suất vay hiện tại khá hấp dẫn, nhưng người vay cần cân nhắc kỹ về các điều khoản sau giai đoạn ưu đãi, đặc biệt là lãi suất thả nổi và các chi phí liên quan để tránh áp lực tài chính về sau. Cùng đó, các ngân hàng cần công bố rõ ràng cơ chế tính lãi suất thả nổi cho các kỳ tiếp theo để người vay có thể đánh giá khả năng tài chính trong dài hạn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, tái cấp vốn, lượng tiền cung ứng, phát hành tín phiếu…

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước được giao thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố công khai lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (cả lãi suất huy động và cho vay); nghiêm cấm không để các ngân hàng thương mại tự do tăng lãi suất không theo định hướng, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đáng chú ý, tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở…

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục