Con bám bố mẹ không theo ai vì ngủ chung từ nhỏ
Con bám bố mẹ và không theo người khác, kể cả người thân như ông bà, chú dì trong nhà là hiện tượng thường thấy ở các trẻ nhỏ ngủ chung với bố mẹ từ nhỏ.
Con bám bố mẹ khiến bố mẹ toát mồ hôi!
Cô con gái Xuka nhà anh Kiên và chị Phượng năm nay đã 3 tuổi. Từ nhỏ do bé sức khỏe hơi yếu nên được bố mẹ chăm sóc rất kỹ lưỡng, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh nguy cơ lây bệnh. Ăn uống của bé cũng được xây dựng theo từng bữa khoa học và chỉ riêng bố mẹ mới cho bé ăn được.
Khi bé chưa đi mẫu giáo, chị Phượng ở nhà sẽ dạy cho con các bài học phù hợp với độ tuổi, hai mẹ con tương tác vui vẻ. Bé dạn dĩ khi ở bên cha mẹ và hoạt bát, lanh lợi. Sẽ không có gì đáng nói nếu như anh Kiên và chị Phượng bắt đầu tính đến việc gửi con ở nhà trẻ và tập cho con thói quen ngủ riêng.
Lúc này cô bé không phối hợp và khóc ngày đêm, bên nội bên ngoại đến chơi bé cũng không muốn thể hiện tình cảm như ôm hôn hay cho bế, chơi cùng, do từ bé đã không tiếp xúc với hành vi như vậy. Thêm việc ngủ cùng mẹ từ nhỏ, đến khi muốn tách ra bé nhớ hơi mẹ và bất hợp tác, không muốn ngủ riêng và quấy khóc. Việc này khiến hai vợ chồng khá vất vả trong việc chăm sóc con, vì ngoài bố mẹ ra, bé không theo ai cả.
Việc đi học nhà trẻ cũng là một thời gian bố mẹ phải “đấu tranh” kết hợp động viên, phối hợp với giáo viên để con quen bạn, quen trường, quen với nếp sống mới.
Trường hợp con bám bố mẹ như bé Xuka không phải hiếm thấy. Gần như ở thành thị hoặc những gia đình trẻ sống riêng thì con cái đều quần bố mẹ. Việc này không phải là xấu nhưng sẽ mang lại những khó khăn, vất vả nhất định cho cha mẹ khi con bắt đầu đến độ tuổi phải tập kết nối với xã hội.
Thêm nữa, khi con càng lớn, những tò mò càng tăng lên, việc ngủ chung cùng bố mẹ sẽ phát sinh nhiều tình huống nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý của con khi đang ở tuổi tập trưởng thành.
Làm sao để con không bám bố mẹ?
Con bám bố mẹ cũng là một trạng thái muốn “sở hữu an toàn”, vì ở lâu trong một trạng thái trẻ cảm thấy an toàn và được chiều chuộng, yêu thương nên trẻ càng không muốn bị dứt ra khỏi vòng an toàn đó. Theo các chuyên gia tâm lý, từ 2-3 tuổi là tuổi mà trẻ đã có khả năng nhận biết giới tính, dễ bị tác động tâm lý, đặc biệt nếu nhìn thấy sự gần gũi của bố mẹ sẽ bị ấn tượng mạnh và ghi nhớ lâu. Ba tuổi cũng là lúc trẻ có khả năng tự xoa dịu bản thân và có thể chuyển sang giai đoạn ngủ độc lập. Càng để lâu, việc thuyết phục con ngủ riêng càng khó. Trẻ cần tự chủ việc ngủ riêng trước khi vào tiểu học.
Những gia đình không có điều kiện cho con ngủ riêng có thể tập cho con nằm cũi hoặc sử dụng giường tầng, đó cũng là một giải pháp chấp nhận được và khả thi với hầu hết các gia đình hiện nay. Việc cho trẻ ngủ riêng ngoài vấn đề về thói quen và tâm lý thì cũng giúp giấc ngủ của mỗi người được an giấc hơn.
Từ việc tập cho trẻ ngủ riêng và “dũng cảm” hơn trong việc cho con dần tiếp xúc với những người thân khác, bạn bè cùng tuổi, để con mạnh dạn và phân tán sự chú ý ra nhiều hướng, từ đó dần giảm việc con bám bố mẹ. Bố mẹ cũng sẽ bớt vất vả hơn trong việc chăm sóc con cái và con cái “độc chiếm” gần hết thời gian của mình.