Thứ hai, 06/03/2023, 14:47 (GMT+7)

Cha mẹ dạy con những nguyên tắc nào trên bàn ăn?

PV - t/h (Theo Hộp háo hức, WedoWegood)

Trong những bữa cơm hàng ngày ở nhà, cha mẹ cần thiết lập cho con những nguyên tắc trên bàn ăn. Việc dạy những phép tắc hay lễ nghĩa cho con từ nhỏ chưa hẳn là việc dễ dàng, chỉ cần cha mẹ kiên nhẫn và làm gương cho con thì con sẽ học theo.

Dọn bàn ăn 

nguyen tac ban an Tiepthigiadinh H1
Giúp đỡ người lớn trong việc sắp xếp bàn ăn lầ điều trẻ nên làm. Ảnh: Istock

Cha mẹ hãy hình thành cho trẻ những phép lịch sự trong bữa ăn bằng việc dạy con biết cách giúp đỡ người lớn trong việc dọn dẹp hay sắp xếp bàn ăn. Tùy theo số tuổi mà bạn có thể chỉ cho con giúp người lớn dọn bàn ăn. Những trẻ nhỏ có thể làm những việc nhỏ như: chia đũa, muỗng hoặc nhờ trẻ chuyển những vật dụng nhỏ ra bàn ăn và sắp xếp lại. Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể cho trẻ làm quen dần với việc tự sắp xếp và bày biện bát đĩa... trong những bữa ăn hàng ngày.

Lời mời trước và sau bữa ăn 

Để con biết cách mời mọi người khi ăn cơm thì cha mẹ hãy làm gương và mời con cái ăn cơm. Trẻ con rất thích bắt chước, vì vậy đây là một cách để con nhớ và thích thú với việc mời cơm. Lúc này, bạn hãy chỉ ra cho trẻ lý do tại sao trước khi ăn phải mời người lớn trước và mời tất cả mọi người. Đó là sự thể hiện tình cảm, sự tôn trọng mà tất cả mọi người đều làm. Khi đã nhận thức được ý nghĩa của việc mời cơm, các con sẽ có mục tiêu để chinh phục là một đứa trẻ ngoan và lịch sự.

nguyen tac ban an Tiepthigiadinh H2
Cha mẹ cần dạy trẻ mời người lớn trước khi ăn và sau khi ăn xong. Ảnh: Taste of Home

Việc mời cơm không chỉ diễn ra trước khi con ngồi vào bàn ăn mà khi ăn xong con cũng sẽ tiếp tục mời như một lời thông báo với mọi người rằng con đã ăn no và mời mọi người hãy tiếp tục dùng bữa. Trước khi con rời bàn ăn, con phải tự giác để gọn bát đũa và thĩa của mình vào một chỗ. 

Ăn khi được cho phép

Nhiều trẻ khi nhìn thấy món ăn yêu thích của mình là liền nhào tới lấy và ăn ngay, không cần biết có được cho phép hay không. Chính vì vậy cha mẹ cần dạy con biết xin phép ý kiến khi làm việc gì đó, không được phép tự tiện. Trẻ có thể bị dị ứng với một món ăn nào đó nhưng chưa nhận thức được vì sẽ rất nguy hiểm nếu như cứ tự ý lấy đồ ăn. Đây không chỉ là cách dạy bảo vệ an toàn cho con mà còn dạy con biết suy nghĩ trước khi hành động.

Điều chỉnh tư thế ngồi ăn 

Tư thế ngồi ăn là rất quan trọng. Sẽ vô cùng mất lịch sự và cũng không ai cảm thấy thích thú khi người ngồi ăn cơm cùng cứ cúi gằm mặt để ăn, tay gắp thức ăn lia lịa hay ngồi xiên ngồi xẹo. Vì vậy, hãy chú ý điều chỉnh tư thế cho con chỉnh tề và lịch sự nhất có thể. Tư thế chuẩn trong một bữa ăn là giữ lưng thẳng, tay đặt trên bàn, đầu giữ ngang tầm mắt. Khi nhà có khách, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ chú ý chỗ ngồi và nhường chỗ thuận lợi nhất cho khách.

nguyen tac ban an Tiepthigiadinh H3
Ngay từ nhỏ cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen ngồi ngay ngắn trong bữa ăn. Ảnh: UCSF

 Nên sửa cho con nếu con cứ chúi đầu vào món ăn khi ngồi ăn ở trên ghế hay rung đùi. Nếu con phải đứng dậy hoặc rướn người mới lấy được thức ăn ở phía xa, bạn nên bảo con thay vì vất vả nhoài người lấy đồ ăn, con có thể nhờ người khác lấy hộ. Con nên nhờ người ngồi gần đĩa thức ăn đó nhất lấy hộ, sau đó đưa lại cho con.

Biết nói cảm ơn và không chê đồ ăn

Cha mẹ cần dạy con biết trân trọng công sức người nấu đã vất vả làm bằng cách không chê bai đồ ăn, không bỏ phí quá nhiều. Đặc biệt, con cần biết cảm ơn người đã nấu những món ăn ngon cho mình. Đó là những hành động lịch sự trong cách ứng xử khi ăn uống và là hành động đúng, đáng được khen ngợi.

Chú ý những hành động không được trong khi ăn

Có thể con bạn đã biết những hành động này, nhưng đôi khi bạn vẫn cần nhắc nhở con rằng không ai làm như vậy khi ăn uống. Lấy những chuẩn mực từ phía ông bà, anh chị lớn tuổi để làm ví dụ thực tế cho bé chứ đừng nói như rao giảng. Những thói quen xấu sau đây cần được chỉ ra ngay lập tức thì trẻ mới không quên.

  • Không sử dụng thiết bị điện tử: điện thoại, ipad... khi ngồi vào bàn ăn
  •  Không chống tay khi ăn
  • Không vừa ăn và nói khi miệng còn đầy thức ăn
  • Không nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn có tiếng ừng ực
  • Cầm bát lên khi gắp thức ăn vào miệng.
Cùng chuyên mục