Thứ hai, 05/06/2023, 07:19 (GMT+7)

Chung tay nỗ lực gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt trong cộng đồng Việt kiều tại Nhật Bản

Thùy Dương (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt và văn hóa Việt trong cộng đồng Việt kiều trở nên quan trọng. Hội thảo quốc tế “Tầm quan trọng của việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản” được tổ chức thể hiện tiếng nói mạnh mẽ và hành động quyết liệt của cơ quan ban ngành, Hiệp hội liên quan trong việc bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt.

Hội thảo đã diễn ra thành công vào sáng 3/6, tại Trụ sở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản). Chương trình do Tổng Lãnh sự quán phối hợp Hội người Việt Nam tại Fukuoka tổ chức, thu hút hơn 120 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó có các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt người Việt Nam và Nhật Bản, cùng đại diện các hội, đoàn người Việt tại Nhật Bản, đại diện kiều bào tham gia đào tạo giảng viên tiếng Việt, đại diện kiều bào có con em tham gia các lớp tiếng Việt.

11685900243.png
Bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự nước CHXHCNVN và Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka chủ trì Hội thảo tại trụ sở TLSQ Việt Nam ở Fukuoka, Nhật Bản.

Bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và ông Nguyễn Duy Anh – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka chủ trì và điều hành Hội thảo trong suốt quá trình diễn ra. Là thầy giáo trẻ, hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản, ông Nguyễn Duy Anh rất tâm huyết, cống hiến và coi trọng công tác đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Đặc biệt là thế hệ thứ 2, thứ 3, những đứa trẻ gốc Việt được sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Vị thầy giáo trẻ chia sẻ: “Cho dù sinh ra và lớn lên ở bất kỳ đâu trên thế giới, dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong mỗi con người chúng ta. Thấu hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mỗi người. Bởi vậy, Hội người Việt Nam tại Fukuoka luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với Tổng lãnh sự quán và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt cho cộng đồng Việt kiều”.

21685900243.png
Ông Mai Phan Dũng (Thứ hai từ trái sang) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN phát biểu chào mừng Hội thảo.

Ông Mai Phan Dũng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài, Ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài quan tâm sát sao xuyên suốt quá trình diễn ra Hội thảo. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan ban ngành chức năng về việc giữ gìn và bảo tồn tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng Việt kiều. Các chuyên gia, diễn ra nổi tiếng Việt Nam và Nhật Bản như PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; PGS.TS Hoàng Anh Thi - Đại học Osaka; Tiến sĩ Kondo Mika - Đại học Osaka; Thạc sĩ Phạm Phi Hải Yến - Phó Chủ tịch Hội Việt ngữ tại Nhật Bản; Thạc sĩ Hứa Ngọc Tân - Đại học Đại Nam; Bà Lê Hoài Thu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng tham dự và có những chia sẻ bổ ích. Có thể thấy, việc giáo dục ngôn ngữ và văn hóa nguồn cội cho trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3 tại Nhật Bản nhận được sự quan tâm và chung tay của cả Việt Nam và đất nước sở tại.

31685900243.png
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ các tham luận tại Hội thảo.

Ở thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 tại Nhật Bản, việc ít tiếp xúc, trải nghiệm tiếng Việt và văn hóa Việt có thể khiến ngôn ngữ và văn hóa nguồn cội ngày một phai mờ. Việc giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt trong cộng đồng Việt kiều góp phần thể hiện niềm tự hào dân tộc, tôn vinh nguồn cội, bản sắc văn hóa và truyền thống Việt Nam, chung tay xây dựng cộng đồng người Việt lớn mạnh và đoàn kết tại Nhật Bản.

41685900243.png
Thành lập Ban tiếng Việt trực thuộc Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF).

Ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc. PGS.TS Nguyễn Lân Trung đã từng nói: “Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng nhân dân ta đã luôn làm tất cả để bảo tồn ngôn ngữ, ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hồn cốt của dân tộc. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp, ngôn ngữ đồng thời là công cụ để truyền tải cả một nền văn hóa, một tinh thần dân tộc. Câu nói “Tiếng Việt còn, nước Nam còn” luôn văng vẳng bên ta, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngôn ngữ dân tộc”.

51685900243.png
Khai giảng “Khóa học phương pháp giảng dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Kyushu, Nhật Bản”.

Sự thành công của Hội thảo đã mở ra bước tiến mới trong công tác giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt cho cộng đồng người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 tại Nhật Bản. Tiếp nối Hội thảo, Hội người Việt Nam tại Fukuoka và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác trong hành trình giữ gìn, giáo dục và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục