Thứ ba, 23/05/2023, 09:16 (GMT+7)

Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Thủy sản Việt Nam ngày càng được các quốc gia khó tính như Nhật Bản quan tâm là một tín hiệu tốt đối với chất lượng cũng như khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn trong tương lai.

xuat khau thuy san Tiepthigiadinh H1
Xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục giảm

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn tiếp tục sụt giảm. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Các nhà chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu các nhóm mặt hàng của Việt Nam giảm trên diện rộng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức giảm 2 con số so vớ cùng kỳ 2022. Giảm mạnh nhất là cá tra đạt 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ.  Tiếp đó là cua ghẹ và giáp xác khác, đạt 41 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ đạt 248 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nhuyễn thể đạt 234 triệu USD giảm 10% và xuất khẩu thủy sản khác đạt 595 triệu USD giảm 1%.

xuat khau thuy san Tiepthigiadinh H2
Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2023. Ảnh: VASEP

Về thị trường xuất khẩu, top 6 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Anh. Trong đó, Nhật Bản là thị trường thay thế Mỹ trở thành thị trường số 1 với kim ngạch xuất khẩu 444 triệu USD.

Xét riêng từng thị trường, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ giảm mạnh nhất. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận ở mức 412 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, chỉ bằng 1 nửa so với mức 851 triệu USD của cùng kỳ 2022. Với kết quả này, Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam mà rơi xuống vị trí thứ 3.

Một trong những nguyên nhân khối lượng và giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh là do lượng cá tra tồn kho ở Mỹ đến hết quý III/2022 còn khá nhiều. Tuy nhiên, lượng tồn kho này đang có xu hướng giảm. Cùng với các yếu tố khác, nhiều khả năng, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ sẽ dần phục hồi trở lại từ quý II/2023.

Theo phân tích của VASEP, mặc dù cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm vị trí chủ đạo tại thị trường Mỹ nhưng cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ một số nước khác ở châu Á cũng đang phát triển nghề nuôi cá tra. Nhiều nhà bán lẻ, siêu thị ở Mỹ đang gia tăng quảng bá, bán các sản phẩm thủy sản hợp túi tiền, có khả năng bảo quản lâu sau khi nhận thấy sự thay đổi trong thói quen sử dụng thủy sản ở nhà thay vì đến các nhà hàng. Đây là cơ hội để cá tra Việt Nam thâm nhập trở lại thị trường này trong thời gian tới.

Thị trường Nhật Bản ghi nhận mức giảm nhẹ hơn xuống 444 triệu USD và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) giảm từ 584 triệu USD xuống 418 triệu USD, tương đương gần 40%. Đây là thị trường tiêu thụ thủy hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chỉ sau Nhật Bản.

Với tình hình tồn kho thấp hiện nay khi Mỹ và Trung Quốc mở cửa trở lại, các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm sẽ nối lại hoạt động dự trữ hàng vào nửa cuối năm 2023 khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội, và điều này sẽ củng cố sản lượng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp so với nửa đầu năm 2023 và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 sau những thách thức kinh tế ngắn hạn.

VASEP dự báo rằng, bức tranh xuất khẩu thủy sản có thể sáng dần lên trong quý II và kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn từ quý 3 khi thị trường Trung Quốc có sự khởi sắc rõ nét hơn và các doanh nghiệp thủy sản có sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh năm 2023.

Cùng chuyên mục