Thứ ba, 09/04/2024, 16:13 (GMT+7)

Chôm chôm vào mùa, ăn loại quả này có tốt cho sức khỏe không?

Chôm chôm là trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Ở Việt Nam, mùa chôm chôm chín kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.

Quả chôm chôm có vẻ ngoài không được đẹp mắt với gai lông nhiều, nhưng phần thịt quả bên trong màu trắng có vị ngon, ngọt nhẹ. Chôm chôm chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thực vật có lợi cho sức khỏe. Sau đây là những lợi ích mà bạn có được khi ăn chôm chôm.

Lợi ích của quả chôm chôm

Tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng

chom chom
Vitamin C trong chôm chôm hoạt động như một chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi nguy cơ hư hại

Ăn 5-6 quả chôm chôm có thể đáp ứng 50% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bằng cách kích thích sản xuất tế bào bạch cầu miễn dịch. Nhờ đó, chức năng của hệ thống miễn dịch sẽ được tăng cường và chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Hỗ trợ tiêu hoá và giảm cân

Chôm chôm rất giàu chất xơ, trong đó chất xơ không hòa tan giúp tăng khối lượng phân, đồng thời tăng tốc độ vận chuyển phân qua ruột, tránh tình trạng táo bón. Còn chất xơ hòa tan là nguồn thức ăn của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp sản xuất enzyme và chất dinh dưỡng cần thiết để hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Chất xơ trong chôm chôm tăng cường quá trình tiêu hóa thực phẩm.

Bên cạnh đó, chôm chôm chứa ít calo và đường hơn so với nhiều loại trái cây khác. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ, từ đó giúp tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn. Nước và các chất dinh dưỡng như vitamin C, kali và magie giúp giữ nước cho cơ thể. Điều này có thể giúp giảm khẩu phần ăn, ngăn ngừa tăng cân và thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả hơn.

Giảm cholesterol máu

Chôm chôm chứa hàm lượng pectin dồi dào - có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Chôm chôm cũng chứa kali và magie, hai khoáng chất có khả năng ổn định huyết áp. Khi huyết áp được kiểm soát, mức độ cholesterol trong cơ thể cũng được duy trì tốt hơn, từ đó tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể.

Tốt cho tim mạch

Chất xơ trong chôm chôm giúp giảm hấp thụ cholesterol trong ruột, từ đó giảm nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu. Ngoài ra, chôm chôm chứa nhiều khoáng chất giúp cân bằng điện giải, ổn định huyết áp, do đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim.

Tăng cường sức khỏe xương

chom chom
Chôm chôm cung cấp nhiều canxi và photpho

Chất dinh dưỡng trong chôm chôm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khối lượng xương nhờ hàm lượng photpho cùng canxi chứa trong nó. Ngoài ra, hàm lượng vitamin C chứa trong chôm chôm cũng góp phần giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, chỉ ăn chôm chôm không thể cung cấp đủ lượng vitamin D, canxi, photpho mà cơ thể cần. Vì thế, hãy đảm bảo bạn cũng bổ sung thêm những thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.

Ngăn ngừa sỏi thận

Chôm chôm là một loại trái cây có hàm lượng kali cao. Việc cung cấp nhiều kali cho cơ thể sẽ góp phần làm tăng tái hấp thu canxi ở thận. Do đó, lượng canxi lắng đọng tại thận sẽ ít hơn, từ đó có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Hỗ trợ điều trị thiếu máu

Vitamin C cũng thực hiện một chức năng rất quan trọng trong cơ thể con người đó là tăng cường hấp thu sắt từ thực phẩm. Việc thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, khi đó cơ thể không đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến tất cả các tế bào và mô.

Ăn trái chôm chôm chín hoặc uống nước ép chôm chôm sẽ đảm bảo hấp thu được nhiều sắt từ thực phẩm hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tổng hợp hồng cầu và hỗ trợ điều trị thiếu máu.

Tốt cho răng miệng

Chất chống oxy hóa trong chôm chôm có thể giúp giảm viêm nướu và giảm tình trạng chảy máu chân răng. Ngoài ra, chôm chôm còn có khả năng kháng khuẩn và giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, từ đó hỗ trợ ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng.

Làm đẹp tóc, da

Chôm chôm chứa một số axit amin thiết yếu giúp xây dựng các tế bào da khỏe mạnh, đồng thời ngăn chặn tác nhân gây nhiễm trùng da. Hàm lượng flavonoid cao có đặc tính chống oxy hóa giúp hỗ trợ chống lại tác hại của các gốc tự do, làm giảm mụn trứng cá, sẹo và đốm đen và giảm kích ứng da.

Chôm chôm không chỉ có lợi cho da mà còn thúc đẩy sự phát triển và độ dày của tóc. Hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa vốn có trong trái chôm chôm giúp củng cố chân tóc, kích thích sự phát triển giúp cho tóc dài và chắc khỏe. Hơn nữa, vitamin C đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các gốc tự do có hại gây gãy, rụng tóc.

Cần lưu ý gì khi ăn chôm chôm?

chom chom
Ăn vừa đủ chôm chôm để thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe

- Không nên ăn hạt chôm chôm còn sống bởi chứa saponin - một hợp chất có thể mang độc tố gây hại cho cơ thể.

- Không ăn chôm chôm nếu dị ứng với các loại trái cây cùng họ, chẳng hạn như vải.

- Chôm chôm là trái cây nhiệt đới nên có tính nóng, không nên ăn quá nhiều sẽ gây khó tiêu, nổi mụn… Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn khoảng 5 quả/ngày là phù hợp.

- Bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp nên chú ý lượng đường có trong chôm chôm có thể gây tăng cholesterol và huyết áp, người đang gặp vấn đề khó tiêu, nóng trong, mụn nhọt cũng nên hạn chế.

Cùng chuyên mục