Thứ ba, 09/04/2024, 10:26 (GMT+7)

Ánh sáng nhân tạo ban đêm gia tăng nguy cơ đột quỵ hơn 40%

Thức khuya thường xuyên và tiếp xúc ánh sáng nhân tạo từ các thiết bị điện tử, đèn đường… có thể là nguyên nhân khiến các ca đột quỵ tăng tới 43%. Vì sao vậy?

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Stroke (Tạp chí Đột quỵ) của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), ô nhiễm không khí và tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.

Nghiên cứu được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện với hơn 28.300 người trưởng thành trong thời gian 6 năm từ năm 2015-2021 về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với bệnh mạch máu não. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 62, đến từ thành phố cảng Ninh Ba và không có tiền sử bệnh mạch máu não bao gồm đột quỵ và chứng phình động mạch...

anh sang nhan tao
Thức khuya và tiếp xúc ánh sáng nhân tạo ban đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng ô nhiễm ánh sáng để phân tích dữ liệu về mức độ tiếp xúc của người tham gia với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm. Sau đó, họ ghi lại các trường hợp đột quỵ hoặc bệnh mạch máu não khác thông qua hồ sơ y tế của bệnh viện. Kết quả cho thấy có tổng cộng 1.278 trường hợp bị bệnh về mạch máu não, trong số đó, có 900 trường hợp bị đột quỵ.

Tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng tới 43% nguy cơ tắc mạch máu não và xuất huyết não dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó, đèn sáng không phải là yếu tố duy nhất làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu, bụi hoặc khói có tỷ lệ đột quỵ cao hơn tới 50%, trong khi những người tiếp xúc với khí thải nitơ oxit từ động cơ đốt trong của phương tiện cơ giới, các nhà máy điện công nghiệp… có nguy cơ đột quỵ cao hơn 31%.

Từ đó, các nhà khoa học kết luận rằng mức độ tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có thể là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh mạch máu não. Đáng chú ý, khoảng 80% dân số thế giới hiện đang sống ở những khu vực ô nhiễm ánh sáng - điều này có thể khiến họ khó ngủ hoặc mất ngủ.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng chói vào ban đêm có thể dẫn đến nhịp sinh học của cơ thể ức chế sự tiết melatonin. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong các chỉ số sinh học gây ảnh hưởng đến huyết áp và đường huyết, tất cả đều là tác nhân gây ra sự xuất hiện của bệnh mạch máu não

Vì vậy, nghiên cứu khuyến cáo mọi người, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị, nên cân nhắc việc giảm mức độ tiếp xúc đó để bảo vệ bản thân khỏi tác động có hại tiềm tàng của nó.

Cùng chuyên mục