Chớ nên uống nước vào 4 thời điểm “lợi bất cập hại”
Theo các chuyên gia, bạn nên uống đủ lượng nước mỗi ngày và chia làm nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên có những thời điểm không nên uống nước.
Trong khi ăn hoặc ngay sau bữa ăn
Nhiều người có thói quen vừa uống nước vừa ăn hoặc uống nước sau khi ăn xong. Nhưng thói quen này không hề tốt cho sức khỏe.
Uống nước trong bữa ăn khiến bạn cảm thấy nhanh no bụng hơn, thức ăn được nuốt dễ dàng hơn. Tuy nhiên vì không được nhai kỹ nên dạ dày sẽ phải làm việc vất vả hơn. Uống nước trong bữa ăn còn dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu, cản trở hấp thụ dinh dưỡng và tạo điều kiện cho mỡ tích tụ trong cơ thể.
Bạn cũng có thể uống chút nước để tráng miệng sau khi ăn, nhưng đừng uống quá nhiều bởi gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng lượng đường trong máu. Nó có thể làm loãng dịch tiêu hóa từ ruột và dạ dày tiết ra, gây khó tiêu và thậm chí tích tụ thức ăn. Nó còn làm tăng cảm giác khó chịu, nặng nề cho cơ thể vì buồn ngủ…
Trong hoặc ngay sau khi vận động mạnh
Vận động mạnh khiến bạn muốn uống nhiều nước hơn để giải nhiệt nhưng hãy cẩn thận. Uống quá nhiều nước để làm mát trong khi luyện tập có thể làm cạn kiệt chất điện phân, khiến người uống có thể bị đau đầu, buồn nôn, chóng mặt.
Sau khi vận động mạnh, cơ thể sẽ mất nhiều nước vì bị đổ mồ hôi qua da. Bạn cũng lưu ý không uống nước ngay lập tức bởi có thể làm loãng nồng độ natri trong máu, gây ra tình trạng thiếu hụt natri, hạ natri, nặng hơn có thể gây buồn nôn, nôn mửa, mặt tái xanh, tim đập nhanh, thở gấp… thậm chí có thể tử vong.
Hãy nghỉ ngơi tầm 10 - 15 phút sau đó uống nước từ từ thành ngụm nhỏ để bù đắp nước cho cơ thể.
Khi nước tiểu nhạt màu, không màu
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt cho đến màu hổ phách. Còn nếu như nhận thấy nước tiểu của mình đột nhiên rất nhạt màu, thậm chí không có màu thì không nên uống quá nhiều nước.
Nước tiểu trong chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, thậm chí dư thừa. Đặc biệt, nước tiểu không màu là một dấu hiệu của sự hydrat hóa. Có thể vì bạn đã uống quá nhiều nước trong ngày ngay cả khi bạn không thấy khát. Uống nước quá mức có thể dẫn đến nồng độ natri thấp, kéo theo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm cả cơn đau tim, suy thận… hay ngộ độc nước gây nguy hiểm tính mạng.
Ngay trước khi ngủ tối
Uống một chút nước trước khi đi ngủ buổi tối rất tốt cho sức khỏe, nhất là tim mạch và trao đổi chất. Tuy nhiên, uống nước ngay trước khi ngủ, đặc biệt là uống nhiều nước thì lại phản tác dụng, gây hại cho cơ thể.
Việc này làm tăng gánh nặng cho các cơ quan nội tạng do phải làm việc nhiều hơn. Nặng nề nhất là thận dễ bị quá tải. Uống quá nhiều nước vào thời điểm này cũng được cho là không tốt với hệ tim mạch ở trạng thái nằm. Ngoài ra, uống nhiều nước trước khi ngủ còn dễ khiến bạn tức bụng dẫn tới khó ngủ, mất ngủ, tiểu đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ…
Vì vậy, bạn chỉ nên uống dưới 150ml nước ấm trước khi đi ngủ 30 phút tới 1 giờ, không đi ngủ ngay sau khi uống nước.