Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiềm ẩn của hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều phong cảnh tiềm ẩn và đa dạng về sinh học. Đến với Hồ Ba Bể, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thưởng thức những món ăn truyền thống và khám phá bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hồ Ba Bể ở đâu?
Hồ Ba Bể là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng núi Đông Bắc Việt Nam, cách trung tâm tỉnh Bắc Kạn khoảng 70km về phía Tây Bắc. Hồ thuộc khu vực vườn quốc gia Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ Ba Bể được lọt top 20 hồ nước ngọt có vẻ đẹp hoang sơ cần được bảo tồn do hội nghị Hồ nước ngọt thế giới được tổ chức tại Mỹ bình chọn.
Hồ Ba Bể được hình thành từ 200 triệu năm trước do sự biến đổi lớn của bề mặt vỏ trái đất làm lún sụt các dãy núi bị bao quanh bởi nhiều dãy núi đá vôi khác tạo thành một vùng hồ nước mênh mông như ngày nay. Địa chất địa mạo của khu vực hồ rất phức tạp là yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp tự nhiên của vùng hồ Ba Bể.
Thời điểm lý tưởng để du lịch hồ Ba Bể
Giống như một chiếc điều hòa không khí, hồ Ba Bể lúc nào cũng mát mẻ, trong lành quanh năm, vậy nên du khách có thể đến tham quan, khám phá hồ bất kỳ khi nào.
-
Nếu bạn muốn chạy trốn cái nóng của mùa hè thì nên đến Ba Bể vào khoảng tháng 5 đến tháng 9.
-
Nếu muốn tham gia các lễ hội lớn để hiểu rõ hơn về văn hoá dân tộc Tày, bạn nên đi hồ Ba Bể vào mùng 9 đến 11 tháng giêng hàng năm. Đây là thời điểm diễn ra lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Bắc Kạn.
Hướng dẫn di chuyển đến hồ Ba Bể từ Hà Nội
Xe khách giường nằm
Để di chuyển đến Ba Bể, du khách có thể trực tiếp ra bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm mua vé tuyến Hà Nội – Bắc Kạn. Bạn nên chọn thời gian khởi hành vào buổi sáng sớm và có mặt ở hồ Ba Bể vào khoảng hơn 10 giờ. Sau đó, bạn check-in khách sạn và chuẩn bị cho hành trình tour khám phá hồ Ba Bể là hợp lý.
Giá vé tham khảo: 100.000VNĐ – 150.000 VNĐ/người/lượt tùy từng hãng xe.
Xe máy
Bạn có thể di chuyển đến hồ Ba Bể theo 2 hướng sau:
-
Hướng 1: Từ trung tâm thủ đô Hà Nội, bạn đi theo hướng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên → rẽ vào hướng QL3 → rẽ trái vào Định Hóa → chạy dọc theo hướng TL 254 → Bằng Lũng → đi thêm quãng đường 40km nữa là tới Ba Bể.
-
Hướng 2: Nếu như bạn muốn đi vào tham quan vườn quốc gia Ba Bể trước thì khi đi hết cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên → rẽ vào hướng QL3 → thị trấn Phủ Thông → rẽ trái theo hướng TL258 → đi khoảng 40km là đến Ba Bể.
Chơi gì khi đến hồ Ba Bể
Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m và xen kẽ là các thung lũng. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng.
Hồ Ba Bể được hợp thành từ 03 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Hồ có chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất là 2km, diện tích mặt nước khoảng 500ha, độ sâu trung bình 20m, có những nơi sâu đến 35m, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá Chép Kình, cá Rầm Xanh, cá Chiên,…
Nước hồ Ba Bể trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãy núi uốn lượn vùng cung ẩn hiện trên mặt nước.
Check-in tại hồ Ba Bể
Vẻ đẹp của thiên nhiên hồ Ba Bể thách thức mọi camera và tạo cảm hứng nhiếp ảnh bất tận bởi bất kỳ góc nào của hồ cũng trở thành một bức ảnh nghệ thuật đẹp nao lòng với chiều sâu xanh thẳm. Du ngoạn trên hồ, du khách như hòa làm một với những triền đá hai bên vách núi nhô cao như chọc rách tấm thảm da trời xanh ngắt như một bài thơ tuyệt tác do trời đất viết nên bằng đá, nước, mây trời và muôn loài cỏ cây hoa lá, muông thú. Nơi đây như một kiệt tác được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của tạo hóa, du khách chỉ cần giơ máy ảnh lên là đã có những tấm hình ưng ý.
Một số góc chụp hình đẹp tại hồ Ba Bể:
Tham quan Ao Tiên
Ao tiên là một hồ nước nhỏ rộng khoảng 3ha nằm ở góc hồ 3 của hồ Ba Bể, nằm giữa lòng chảo đá vôi cách biệt với hồ chính. Ao Tiên luôn đầy ắp nước quanh năm, mặt ao lúc nào cũng phẳng lặng trong vắt như một chiếc gương soi. Ao Tiên cũng gắn bó với nhiều câu chuyện ly kỳ của người dân địa phương, câu chuyện bắt nguồn từ một người thợ săn trong lúc săn bắn bị lạc và có đi qua Ao Tiên và bất ngờ phát hiện các nàng tiên hạ phàm đang tắm ở đây, về sau vùng nước nhỏ này mới có tên là Ao Tiên.
Ghé thăm đền An Mạ
Là một ngôi đền linh thiêng nằm tọa lạc trên đảo An Mạ giữa lòng hồ Ba Bể, đảo An Mã được hình thành từ những hòn đá vôi có hình dạng như mai rùa nổi lên khoảng 30m ngay giữa lòng hồ. Khắp đảo được phủ xanh cây cối, là điểm thuận lợi để quan sát cảnh quan vùng hồ cùng chim muông. Đây là khu đền thờ Mẫu Thượng Ngàn, chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần,... được nhiều du khách ghé thăm.
Tham quan đảo Bà Góa
Đảo Bà Góa (tiếng địa phương là Pò Giả Mải) là hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm giữa hồ 1 (Pé Lèng) của hồ Ba Bể. Đảo được tạo thành bởi những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau, cây cối trên đảo xanh tốt quanh năm, rễ cây buông xuống ôm lấy những phiến đá, nhìn xa đảo như một hòn non bộ giữa mặt hồ.
Tương truyền đảo chính là nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa tốt bụng năm xưa đã dùng vỏ trấu lấy từ hạt thóc bà Tiên cho tách làm đôi biến thành hai chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân lành trong trận đại hồng thuỷ hình thành hồ Ba Bể.
Đảo Bà Góa là điểm du lịch hấp dẫn, viên ngọc xanh in bóng lung linh giữa hồ nước trong xanh, nơi lý tưởng dành cho du khách tham quan và chụp những bức hình kỷ niệm về chuyến đi đến với khu du lịch hồ Ba Bể.
Khám phá cuộc sống của dân tộc Tày
Xung quanh hồ Ba Bể là các bản nhà sàn của người Tày. Sau một ngày dạo chơi trên hồ, du khách có thể dừng chân ở những nơi này để cùng cảm nhận cuộc sống ấm áp, đậm tình mến khách của bà con dân bản. Khi lựa chọn nghỉ ngơi trên những ngôi nhà sàn rộng rãi và thoáng mát, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân miền núi, nhấp chén rượu thơm mùi ngô nếp, hòa mình vào những khúc đàn tính, điệu then, câu sli, slượn, được nghe sự tích Hồ Ba Bể với truyền thuyết về Đảo Bà Góa, thuyền độc mộc…
Du lịch hồ Ba Bể thì ở đâu?
Dưới đây là những địa điểm lưu trú khi đi du lịch hồ Ba Bể mà du khách có thể tham khảo và lựa chọn:
-
Ba Be Green Homestay: khoảng 250.000VNĐ – 400.000 VNĐ/đêm.
-
Mr Linh’s Homestay: khoảng 1.000.000VNĐ – 1.200.000 VNĐ/đêm.
-
Ba Be Lakeside Bungalow: khoảng 700.000VNĐ – 1.000.000 VNĐ/đêm.
-
BA BE LEGEND VILLA: khoảng 350.000VNĐ – 500 VNĐ/đêm.
-
Nhà riêng hồ Ba Bể: khoảng 100.000VNĐ – 300.000 VNĐ/đêm.
Ẩm thực hồ Ba Bể có gì đặc sắc?
Nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam nên ẩm thực của Ba Bể mang đậm nét đặc trưng của vùng núi rừng. Nếu có dịp đến du lịch Ba Bể, du khách nên thử những đặc sản ở đây nhé!
Cá nướng
Là vùng hồ nước rộng lớn với nhiều loại cá phong phú về chủng loài và số lượng nên món cá nướng trở thành một món ăn quen thuộc của người dân địa phương. Những con cá được người dân chài đánh bắt tươi ngon nhất, làm sạch rồi ướp các gia vị đặc trưng, sau đó cho lên than hồng nướng. Món cá nướng rất dễ làm nhưng lại tốn khá nhiều thời gian.
Lạp xưởng
Lạp xưởng là món ăn quen thuộc ở nhiều nơi nhưng lạp xưởng ở hồ Ba Bể được làm từ thịt lợn bản nên rất thơm ngon. Một điểm độc đáo là lạp xưởng nơi đây được tẩm ướp với gừng đá, loại gừng cay thơm chỉ mọc trên vùng núi đá vôi nên mang hương vị rất riêng. Sau khi chế biến lạp xưởng được mang đi hun khói hay treo gác bếp để có thể bảo quản lâu dài.
Thịt lợn gác bếp
Cũng giống như thịt trâu gác bếp của bà con vùng cao Tây Bắc, đồng bào dân tộc Tày ở Ba Bể cũng xem đây là một phương pháp để giữ thịt được lâu để sử dụng quanh năm. Thịt lợn treo gác bếp không những có thể bảo quản được lâu mà mùi vị của thịt cũng đậm đà thơm ngon. Ngày nay, đồng bào ở đây vẫn làm món thịt gác bếp vào các dịp đãi khách quý hay có hội họp lễ tết.
Bánh giầy lá ngải
Đây là món bánh khá độc đáo của người dân Ba Bể. Nguyên liệu làm món bánh này được lấy từ những nguyên liệu đơn giản như: gạo, đường, và đặc biệt là rau ngải. Làm món bánh này không khó nhưng lại đòi hỏi sự cung phu, tỉ mỉ. Khi xôi gạo nếp chín, người dân cho vào giã nhuyễn ngay lúc còn nóng với nắm lá ngải đã sơ chế, xôi được giã nhuyễn rồi nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh với nhân bánh bên trong. Phần nhân bánh được làm từ đỗ xanh xôi chín với mật rồi giã nhỏ. Bánh ngải rất dễ ăn, đậm vị không bị ngấy, du khách thưởng thức món bánh này sẽ không thể quên hương vị của nó.
Măng nhồi thịt
Những chiếc măng được chế biến là loại măng nứa, tre hoặc trúc. Sau khi luộc chín được bổ ra cắt khía, phần nhân bao gồm thịt trứng và các loại rau thơm khác. Đúc phần nhân vào giữa miếng măng rồi cuộn lại sau đó cho vào xoong đổ nước xâm xấp rồi đun với lửa nhỏ. Món ăn này là món ăn rất hay có trong bữa cơm thường ngày của người dân.
Ốc đá xào sả
Đây là món ăn của đồng bào người Tày, ốc đá được người dân bắt trên những núi đá vôi sau những trận mưa rừng đi qua, thịt ốc rất giòn và thơm với vị ngọt khác biệt hoàn toàn so với các loại ốc khác. Ốc ở Ba Bể được bắt trong môi trường tự nhiên nên không chứa tạp chất như ốc nuôi.
Làm món ốc này cần luộc rồi tách vỏ ốc, lấy phần thịt ốc được xào trên dầu nóng cùng hành tỏi phi thơm, thêm chút xả và gừng để khử vị lạnh của ốc, đợi cho ốc săn lại thêm chút lá chanh.