Cấp cứu vì tự giác hơi tại nhà, chuyên gia y tế mách bài giác hơi sao cho an toàn
Giác hơi là một phương thức trị liệu có từ lâu đời giúp giảm đau đầu hoặc điều trị một số bệnh lý. Hình thức chữa bệnh này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều hệ lụy nếu không được thực hiện đúng cách.
Theo các chuyên gia y tế, giác hơi có tác dụng kéo giãn da, giúp mở lỗ chân lông, kích thích sự lưu thông của máu, đồng thời loại trừ các độc tố trong cơ thể. Chỉ cần vài vật dụng đơn giản như cốt giác hơi chuyên dụng, cây mồi lửa hoặc ống giác là đã có thể thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người khi đau nhức sẽ chọn phương pháp giác hơi tại nhà.
Anh N.H.T ở Bình Dương chia sẻ: “Vì tính chất công việc ngồi lâu hay đau mỏi vai lưng, nên tôi thường nhờ vợ giác hơi, làm xong thấy khỏe hơn nhưng một ngày sau thì thấy chóng mặt. Tôi cứ nghĩ bình thường nhưng gần đây đi khám, bác sĩ nhắc nhở việc giác hơi không đúng lúc và không đúng cách gây nguy cơ đột quỵ”.
Mới đây, anh N.V.S (35 tuổi) ngụ tại TP.HCM, phải đi cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người bên phải, trên da vùng cổ bên trái vẫn in hằn dấu tích dụng cụ giác hơi. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não vì tác động mạch cảnh trong trái và động mạch não giữa trái do giác hơi gây ra.
TS, BS Hồ Vi Đại Phúc (Khoa Y học Cổ truyền, BVĐK Xuyên Á) cho biết: “Hệ lụy khi chúng ta sử dụng các phương pháp giác hơi không đúng cách và không đúng thời điểm rất nguy hiểm. Một số bệnh nhân có bệnh lý về gan, rối loạn trống đông, thì không thể sử dụng giác hơi ướt và những bệnh nhân đang nôn ói, tiêu chảy cũng không nên, vì khi giác hơi sẽ lấy mồ hôi ra ngoài, làm điện giải của chúng ta thay đổi. Ngoài ra, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng phương pháp này”.
Bác sĩ chia sẻ thêm: “Các bệnh lý đau thắt lưng hay đau cổ có tính chất đau tại chỗ hoặc tại một điểm. Chúng ta cũng có thể sử dụng phương pháp giác hơi ướt. Ứng dụng của giác hơi cũng rất nhiều như điều trị các bệnh lý về đường hô hấp, sử dụng công thức bấm huyệt của y học cổ truyền vào trong giác hơi để điều trị đau đầu, kích thích hệ tiêu hóa”.
Phương pháp giác hơi có thể tiến hành tại nhà trong điều kiện môi trường kín gió, lưu thông không khí đầy đủ, trước khi giác hơi nên vệ sinh sạch sẽ bộ dụng cụ giác hơi bằng cồn y tế để tránh nhiễm khuẩn. Người bệnh có thể chọn tư thế tùy thuộc vào vùng cần giác hơi, ngoài ra những vị trí giác hơi phải là nơi có cơ bắp dày và lớp mỡ dưới da vừa phải, tuyệt đối không thực hiện ở vùng có mạch máu nông, vùng của tim, vùng da quá mỏng, có sẹo hoặc vùng da nhão có nhiều nếp nhăn.
Không nên giác hơi lại khi vẫn còn dấu vết cũ, khi tiến hành cần lựa chọn kích thước bộ dụng cụ phù hợp với từng người bệnh, từ nhỏ, vừa đến loại to, không chọn cốc bị mẻ hoặc bị nứt. Mỗi lần đặt cốc giác hơi kéo dài từ 5 đến 10 phút, tránh dùng lực hút quá mạnh, sau khi giác hơi xong cần lau sạch hoặc bôi dầu lên vùng da, vệ sinh sạch sẽ bộ dụng cụ giác hơi bằng cồn y tế.
Sau khi giác hơi sẽ có một số tác dụng phụ như da đổi màu, hình thành sẹo, nhiễm trùng da hoặc nặng thêm tình trạng chàm, vẩy nến. Nghiêm trọng hơn là tình trạng xuất huyết bên trong khi giác hơi vùng da đầu hoặc gây mất máu. Việc sử dụng chung dụng cụ giác hơi không được vệ sinh sạch sẽ gây mắc các bệnh truyền nhiễm. Trong quá trình giác hơi nếu xảy ra bất cứ tình trạng gì phải ngừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.