Thứ năm, 01/08/2024, 16:07 (GMT+7)

Biến chứng nguy hiểm do ngộ độc thuốc tê sau nhổ răng, dấu hiệu nhận biết sớm thế nào?

Sau khi được gây tê bằng thuốc Lidocain để nhổ răng tại một phòng khám, người đàn ông 66 tuổi có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, run chân, được chẩn đoán ngộ độc thuốc tê. Đây là một biến chứng hiếm gặp và rất nguy hiểm nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời.

Trang thông tin điện tử Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, mới đây, đơn vị vừa tiếp nhận 1 ca bệnh cấp cứu nghi ngộ độc thuốc tê sau khi được gây tê bằng thuốc Lidocain tại một phòng khám răng tư nhân. Bệnh nhân nam (66 tuổi) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay. Trước đó, trong quá trình nhổ răng, bệnh nhân có sử dụng 2 ống Lidocain 2% tê tại chỗ; các dấu hiệu sinh tồn và các chỉ số xét nghiệm cơ bản đều trong giới hạn bình thường.

capcuu
Cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng tại phòng khám tư. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc tê Lidocain sau nhổ răng. Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền tĩnh mạch nhũ tương lipid 20% theo phác đồ, theo dõi sát tình trạng ý thức và huyết động. Sau khi dùng thuốc 15 phút, các triệu chứng lâm sàng khiến bệnh nhân khó chịu hết hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Dị ứng của bệnh viện để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Đức Duẩn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, bệnh nhân trên may mắn được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thuốc tê luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (ngộ độc thuốc tê, phản vệ với thuốc tê, hội chứng sợ hãi).

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán phân biệt các giả thuyết trên thường dựa vào các triệu chứng đi kèm như bệnh nhân hoảng sợ, lo lắng quá mức trước khi làm thủ thuật (hội chứng sợ hãi); bệnh nhân khó thở, thở rít, nổi ban mề đay, ngứa, buồn nôn, đau bụng (phản vệ với thuốc); còn lại là tình trạng ngộ độc. Trong 3 giả thuyết trên thì ngộ độc lại hay xảy ra nhất, trong khi đó phản vệ lại hiếm gặp nhất. Vì vậy, khi gặp phải người có biểu hiện ngộ độc thuốc tê, nên xử trí theo hướng ngộ độc thuốc kết hợp với các biện pháp hồi sức cấp cứu cơ bản thì khả năng cao sẽ cứu sống được bệnh nhân.

Những biến chứng nguy hiểm của ngộ độc thuốc tê

Cũng theo Bác sĩ Lê Đức Duẩn, hiện nay, việc sử dụng thuốc tê rất phổ biến, từ các thủ thuật thực hiện tại các cơ sở y tế bên ngoài bệnh viện như nhổ răng, tiểu phẫu vết thương… đến các thủ thuật, tiểu phẫu thuật thực hiện tại bệnh viện như đặt catheter, chọc ống sống thắt lưng, phẫu thuật tạo hình-thẩm mĩ… Trong đó, thuốc tê nhóm amid (như Lidocaine, Bupivacaine, Levobupivacaine, Ropivacaine) được sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, các chuyên khoa như răng hàm mặt, sản khoa cũng như các phòng khám tư nhân. Khi bị ngộ độc, nếu không được xử trí kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao, nhiều trường hợp được cứu sống thì chi phí điều trị rất lớn.

Bác sĩ Lê Đức Duẩn cho biết thêm, những đối tượng có nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê gồm: Trẻ em dưới 6 tháng tuổi; bệnh nhân thể trạng nhỏ; tuổi cao, suy yếu; suy tim, thiếu máu cơ tim; bệnh gan. Ngộ độc thuốc tê là tình trạng độc tính thuốc tê ảnh hưởng lên toàn thân, nổi trội ở hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch. Trong đó, các triệu chứng ngộ độc ở hệ thần kinh trung ương bao gồm các biểu hiện kích thích từ nhẹ đến nặng như bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật; hoặc ức chế (ngủ gà, thậm chí hôn mê hoặc ngừng thở), hoặc không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt).

Ngoài ra, triệu chứng ngộ độc thuốc tê ở hệ tim mạch có biểu hiện kích thích trong giai đoạn đầu như huyết áp tăng, mạch nhanh, loạn nhịp thất… Biểu hiện ức chế trong giai đoạn muộn như tụt huyết áp tiến triển; block dẫn truyền, nhịp tim chậm, vô tâm thu; loạn nhịp thất (nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, vô tâm thu).

Chính vì vậy, việc hiểu biết về những dấu hiệu nhận biết sớm và những biện pháp cấp cứu kịp thời bệnh nhân ngộ độc thuốc tê là rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Do đó, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu ngộ độc, nhân viên y tế cần theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm và sau khi tiêm. Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn, vì thế, cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc thuốc tê, nhũ tương lipid là thuốc đầu tay ngay khi có biểu hiện đầu tiên và rõ ràng của ngộ độc thuốc tê do bất kỳ loại thuốc tê nào và liều adrenaline ≤ 1mcg/kg là hiệu quả hơn trong hồi sinh tim, phổi nâng cao ở bệnh nhân ngừng tim hoặc tụt huyết áp do ngộ độc thuốc tê.

Đối với người dân, cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời. Đồng thời, người dân nên lựa chọn những cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để nhổ răng hoặc can thiệp thẩm mỹ răng hàm mặt để được xử trí kịp thời khi xảy ra các biến chứng, ngộ độc do thuốc gây tê.

Cùng chuyên mục