Thứ tư, 30/04/2025
logo
Tiêu dùng thông minh

7 quy tắc dùng thẻ tín dụng có thể 'phá lệ' khi gặp khủng hoảng tài chính mà không lo nợ xấu

Thanh Hoa (Theo Nerdwallet.com) Thứ tư, 30/04/2025, 11:30 (GMT+7)

Đây là 7 quy tắc dùng thẻ tín dụng mà bạn hoàn toàn có thể “bẻ cong” trong trường hợp gặp khủng hoảng tài chính mà không cần quá áy náy hay lo lắng.

Nên giữ bao nhiêu tiền trong tài khoản thanh toán, bao nhiêu trong tài khoản tiết kiệm để quản lý tài chính vững vàng?

4 chiến lược quản lý và 5 lưu ý 'sống còn' giúp doanh nghiệp bán lẻ vận hành trơn tru, 'lãi' cả thời gian lẫn doanh thu

Thu nhập 10 triệu, dân văn phòng nên tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng?

Các nguyên tắc về quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là dùng thẻ tín dụng giúp bạn kiểm soát chi tiêu và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc. Tuy nhiên, khi rơi vào khủng hoảng như mất việc, bệnh tật, thiên tai, thu nhập giảm mạnh… bạn hoàn toàn có thể “bẻ cong” một số nguyên tắc mà không cần cảm thấy áy náy hay lo lắng quá mức.

Dưới đây là 7 quy tắc sử dụng thẻ tín dụng mà bạn có thể linh hoạt điều chỉnh để vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Không được để nợ thẻ tín dụng qua tháng”

Lãi suất thẻ tín dụng có thể lên đến 25–30%/năm, nghe có vẻ đáng sợ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cấp bách như cần tiền mua thuốc, đóng viện phí hay chi tiêu thiết yếu... thì việc mang nợ tài khoản tín dụng qua tháng hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Ví dụ: Nếu bạn có dư nợ 36 triệu đồng với lãi suất 25%/năm và bạn chỉ có thể trả 12 triệu trong tháng đó, phần còn lại 24 triệu sẽ phát sinh khoảng 500.000–600.000 đồng tiền lãi. Đổi lại, bạn giữ được dòng tiền cho những nhu cầu sống còn.

“Luôn phải trả nhiều hơn mức tối thiểu hàng tháng”

Trong khủng hoảng, duy trì khả năng sống còn quan trọng hơn việc trả nợ nhanh. Nếu bạn không thể trả hết dư nợ, chỉ cần đảm bảo trả đủ mức thanh toán tối thiểu để tránh phí phạt và giữ tài khoản hoạt động bình thường.

Dù phải mất thời gian lâu hơn để hết nợ nhưng đây là cách giúp bạn không bị đưa vào nhóm nợ xấu và vẫn có thể sử dụng tín dụng khi cần thiết.

the-tin-dung-mang-lai-nhieu-loi-ich-hap-dan-1659
Với một số trường hợp khẩn cấp, việc sử dụng thẻ tín dụng là cần thiết (Ảnh: Sưu tầm)

"Không dùng quá 30% hạn mức thẻ tín dụng”

Hạn chế sử dụng quá 30% hạn mức là mẹo giúp giữ điểm tín dụng tốt. Nhưng trong thực tế, nếu cần dùng 50–70% hạn mức để chi trả tiền học, tiền nhà hay viện phí thì điều đó hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn ngắn hạn.

Ví dụ: Với hạn mức 50 triệu đồng, bạn có thể dùng 35 triệu để xoay sở qua tháng. Sau khi tình hình ổn định, bạn hoàn trả dần và điểm tín dụng sẽ dần phục hồi.

"Phải đổi điểm thưởng để tối ưu giá trị”

Bình thường, việc tích điểm và đổi lấy quà tặng hoặc vé du lịch là một cách tận dụng lợi ích thẻ tín dụng. Tuy nhiên, trong khủng hoảng, tiền mặt mới là ưu tiên hàng đầu.

Ví dụ: Nếu 100.000 điểm đổi được 7 triệu đồng mua vé máy bay, bạn vẫn có thể chọn quy đổi thành 5 triệu đồng tiền mặt để chi trả sinh hoạt. Dù mất một chút giá trị quy đổi nhưng đổi lại là sự chủ động tài chính.

"Không nên dùng thẻ tín dụng làm quỹ khẩn cấp”

Với mỗi người hay mỗi gia đình, lý tưởng nhất là có quỹ dự phòng tương đương 3–6 tháng chi tiêu. Nhưng thực tế, rất nhiều người Việt chưa có quỹ này. Khi khủng hoảng xảy ra, việc dùng thẻ tín dụng làm phương án tạm thời là hoàn toàn dễ hiểu.

Lưu ý, hãy sử dụng thẻ để chi tiêu có chọn lọc, không vượt hạn mức và lập kế hoạch hoàn trả cụ thể sau khi vượt qua khó khăn.

"Chuyển nợ sang thẻ ưu đãi 0% thì phải trả hết trong thời gian miễn lãi”

Một số ngân hàng Việt Nam cung cấp thẻ tín dụng có chương trình ưu đãi 0% lãi suất trong 6–12 tháng khi chuyển nợ. Nếu bạn không thể trả hết trong thời gian đó, hãy đàm phán với ngân hàng để xin gia hạn hoặc chuyển tiếp khoản nợ.

Ví dụ: Chuyển khoản nợ 30 triệu đồng sang thẻ mới có lãi suất 0% trong 6 tháng, bạn chỉ cần trả mỗi tháng 5 triệu là hết nợ. Nhưng nếu không thể, chỉ cần duy trì mức thanh toán tối thiểu để tránh bị phạt. Khi kinh tế phục hồi, bạn có thể trả nợ nhanh hơn.

“Phải giữ điểm tín dụng thật cao mọi lúc”

Điểm tín dụng tốt giúp bạn dễ vay vốn mua nhà, xe hoặc mở thẻ tín dụng mới. Nhưng trong thời điểm khó khăn, hãy ưu tiên sinh tồn trước, điểm tín dụng tính sau.

Ví dụ: Nếu phải lựa chọn giữa thanh toán viện phí cho người thân và trả đúng hạn thẻ tín dụng, việc chậm trả vài ngày không đáng lo bằng bỏ lỡ điều quan trọng hơn. Điểm tín dụng có thể phục hồi, còn sức khỏe và an toàn gia đình thì không.

Nguyên tắc tài chính sinh ra để bảo vệ bạn khỏi rủi ro. Nhưng trong khủng hoảng, điều bạn cần là linh hoạt, bình tĩnh và sử dụng các công cụ tài chính – trong đó có thẻ tín dụng một cách khôn ngoan.

Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn, bạn hoàn toàn có thể:

  • Lên kế hoạch trả nợ rõ ràng

  • Xây dựng lại điểm tín dụng

  • Tái thiết quỹ dự phòng cá nhân

Miễn là bạn giữ được kiểm soát, đừng lo nếu phải “phá lệ” đôi chút. Thẻ tín dụng không phải là kẻ thù mà là chiếc phao cứu sinh nếu bạn biết dùng đúng cách.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục