Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 08/09/2024, 09:38 (GMT+7)

Xe bị thiệt hại sau thiên tai có được bảo hiểm bồi thường không?

Mưa lớn, gió giật mạnh do cơn bão số 3 Yagi gây ra đã khiến hàng loạt cây xanh gãy đổ, ngập nặng, gây thiệt hại lớn cho nhiều xe ô tô. Vậy trong tình huống này, phía bảo hiểm sẽ bồi thường ra sao?

Ngày 7/9, cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế là bão Yagi) đã đổ bộ đất liền Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp cấp 10 (89-102 km/h), gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, gió giật mạnh.

Tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng sức ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm cho nhiều cây xanh bật gốc, gây tổn hại về người và tài sản. Chỉ trong 2 ngày 6-7/9, tình trạng hàng loạt xe ô tô bị ngập nước, cây đè, cột điện đổ hay bị bảng hiệu rơi trúng đã liên tục được đăng tải trên mạng xã hội.

Nhiều xe ô tô bị hư hại nặng khiến người xem không khỏi xót xa. Vì thế, nhiều người đang sử dụng xe tỏ ra lo lắng và thắc mắc với những trường hợp rủi ro này, phía công ty bảo hiểm bồi thường như thế nào?

1725749267-bao-vao-hn-4-44-width1920height1280
Sau khi bão số 3 Yagi quét qua Hà Nội, hàng trăm cây xanh, biển báo, cột đèn... đã bị gãy đổ.

Thực tế, việc xe hư hỏng do mưa bão, ngập lụt không phải lỗi của con người nên không thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân cụ thể nào trong trường hợp này.

Mưa bão làm cây đổ đè trúng ô tô, chủ xe có được bảo hiểm bồi thường không?

Theo An ninh thủ đô, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho người đi đường, cá nhân, đơn vị được giao chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện cắt tỉa các cành cây để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Do đó, nếu cây cối bị đổ, bật gốc…khi có mưa bão giông lốc gây thiệt hại về người và tài sản xuất phát từ việc các đơn vị, cá nhân này chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì phải có trách nhiệm bồi thường.

Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Song không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường bởi chủ sở hữu cây, người được giao chăm sóc cây sẽ không phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp:

Sự kiện bất khả kháng (sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép). Do vậy, nếu các đơn vị quản lý cây xanh hoặc chủ sở hữu của cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa cành cây, buộc cây nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng do mưa gió cây xanh vẫn đổ, bật gốc… gây thiệt hại thì họ không phải bồi thường;

Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại như chủ phương tiện dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định hoặc người điểu khiển phương tiện cố tình đi lên vỉa hè bị cây đổ đè lên người.

cayde
Toyota Vios đỗ gần công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội bị cây to đổ đè lên, sáng 7/9. Ảnh: Trung Hiển/OFFB

Do vậy, để xác định cây đổ làm chết người ai phải bồi thường thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người đi đường có lỗi hay không?

Nếu đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Về mức bồi thường thiệt hại khi cây đổ làm chết người, theo quy định hiện hành, những thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm:

Thiệt hại về sức khoẻ tính từ thời điểm sức khoẻ của nạn nhân bị xâm phạm cho đến khi người đó chết: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hội sức khoẻ và chức năng bị mất, chi phí khám chữa bệnh; Chi phí mai táng; Tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.

Về trách nhiệm bồi thường đối với những chiếc xe bị hư hỏng khi bị cây gãy, đổ vào, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, cây và xe ô tô đều được xác định là tài sản. Nếu xe ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ đúng quy định mà cây đổ gây hư hại đến xe thì người quản lý cây phải bồi thường.

Song, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra và thiệt hại đó không có lỗi của mình, không thuộc trường hợp bất khả kháng.

458942000-10160492948438635-6868600865571458940-n-3529
Nhiều phương tiện bị cây đổ đè vào tại đoạn đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Chuột/OFFB

Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.

Xe hư hỏng, ngập nước bởi bão có được đền bù không?

Việc các công ty bảo hiểm có chi trả chi phí khắc phục sự cố do ngập nước hay không phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm vật chất ban đầu giữa chủ xe và phía bảo hiểm.

Một số đơn vị bảo hiểm sẽ ghi rõ điều này trong hợp đồng, nhưng một số đơn vị sẽ mời khách hàng mua thêm gói bảo hiểm dành riêng cho thuỷ kích như một điều khoản bổ sung và ghi vào phụ lục.

Mức phí của gói bảo hiểm thuỷ kích riêng này vào khoảng 0,1% giá trị xe/năm (đối với xe sử dụng dưới 3 năm). Ví dụ như một chiếc xe có giá 1 tỷ đồng thì gói bảo hiểm thuỷ kích mỗi năm vào khoảng 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có hai khái niệm khách hàng cần làm rõ khi tham gia bảo hiểm vật chất tự nguyện là ngập nước và thuỷ kích. Nhiều khách hàng vẫn chưa rõ giữa hai khái niệm này dẫn đến tranh cãi với cơ quan bảo hiểm khi không may chiếc xe bị ngập nước.

O-TO-NGAP-NUOC
Xe ô tô bị ngập úng do thiên tai, bão lũ vẫn được công ty bảo hiểm bồi thường, tuy nhiên cần xét nhiều trường hợp (Ảnh minh họa)

Xe bị ngập nước được hiểu là xe đang đỗ trong gara hoặc ở ngoài đường và bị ngập nước một cách bất khả kháng do thiên tai (bao gồm bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần…) dẫn đến hỏng hóc. Đối với trường hợp này đa số đều được chi trả bảo hiểm.

Còn khái niệm xe bị thủy kích được hiểu là chiếc xe bị hư hỏng phần động cơ khi chiếc xe đó di chuyển vào vùng ngập nước. Thuỷ kích cũng được các công ty bảo hiểm chia ra làm hai trường hợp:

Thứ nhất là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, nước tràn vào động cơ khiến đông cơ bị hư hỏng. Trường hợp này, chủ xe có thể được đền bù đến 100% chi phí sửa chữa nếu điều khoản này có trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều công ty bảo hiểm chỉ đền bù khoảng 70-80% với lý do khách hàng phải có trách nhiệm tự cân nhắc xem có nên đi vào vùng nước ngập hay không.

Thứ hai là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, sau đó xe bị tắt máy nhưng lái xe cố tình khởi động lại xe khiến nước tràn vào làm động cơ hư hỏng nặng. Trường hợp thuỷ kích thứ hai này, đại đa số các công ty bảo hiểm sẽ từ chối đền bù vì đây hoàn toàn là lỗi chủ quan của lái xe.

Khi tham gia bảo hiểm thủy kích, chủ xe sẽ được đội cứu hộ của công ty bảo hiểm hỗ trợ, giúp khắc phục sự cố nhanh chóng và giảm thiệt hại xuống mức tối đa.

Ngoài ra, mức bồi thường thiệt hại đối với những ảnh hưởng do thiên tai còn phải căn cứ vào thiệt hại thực tế. Việc này sẽ được giám định tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho chủ xe theo quy định.

Vì vậy, để tránh những thiệt hại trong các tình huống lái xe vào vùng ngập nước, người lái cũng nên xác định xem xe của mình có khả năng lội qua hay không. Khi đi vào vùng ngập, cần xác định xem chiếc xe của mình có khả năng lội qua hay không. Theo kinh nghiệm, nếu khu vực đó có mực nước cao hơn 1/2 bánh xe thì không nên đi qua.

Cùng chuyên mục