Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp ứng phó siêu bão số 3 (YAGI)
Sáng 5/9, bão số 3 (YAGI) đã mạnh lên thành siêu bão, được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công điện nêu rõ: Sáng nay (ngày 05 tháng 9 năm 2024), bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
Dự báo, từ sáng mai bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm mai ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thứ nhất, Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương nêu trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống bão
Thứ hai, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:
Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú.
Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.
Khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão
Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024.
Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ năm, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Thứ sáu, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý người dân không nên chủ quan và tuân thủ một số khuyến cáo ứng phó với siêu bão số 3.
Theo đó, người dân cần theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong ít nhất 7 ngày; kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.
Cùng với đó, xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương; gia cố, chẳng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công; gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Các địa phương đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân trên các đảo; lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Vấn đề đáng lo là dông lốc trước bão
Trước đó, chiều 4/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi thông tin về bão số 3 (YAGI).
Theo các chuyên gia, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu bão rộng nên dù chưa di chuyển vào vịnh Bắc Bộ vẫn có thể gây ra các hiện tượng dông mạnh, lốc sét ở nước ta.
Cụ thể, theo các chuyên gia, vấn đề đáng lo hiện nay là dông lốc trước bão. Vào ngày 6/9, khi bão số 3 còn ở đảo Hải Nam thì khu vực đất liền Việt Nam, cụ thể là Bắc Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm theo lốc, sét.
Rạng sáng và trưa ngày 7/9, các tỉnh ven biển sẽ xuất hiện mưa to, gió mạnh dần. Mưa gió tập trung vào khoảng chiều tối cùng ngày và kéo dài sang ngày 8/9, sau đó giảm dần và dịch chuyển lên khu vực Tây Bắc Bộ.
Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão sẽ gió mạnh cấp 6 trở lên kèm theo mưa to. Trọng tâm bão (gió mạnh nhất, mưa to nhất) là các các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn gây nguy cơ cao sạt lở, lũ quét cho các khu vực này. Thông tin cụ thể sẽ được đưa ra trong các bản tin tiếp theo – ông Lâm thông tin.
Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm Hải Văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong 24 giờ tới, sóng biển tại vùng Bắc biển Đông có thể đạt độ cao từ 5 – 7 mét và vùng tâm bão đi qua lên tới 7 – 10 mét.
Với dự báo cường độ lên tới cấp siêu bão, bão số 3 có thể gây sóng cao 10 – 12 mét tại khu vực gần tâm bão đi qua,
Dự báo khi bão vào đến Vịnh Bắc Bộ và giảm cấp, sóng vẫn cao từ 5 - 7 mét, gây nguy hiểm cho tàu thuyền kể cả khi đã vào các khu tránh trú, neo đậu.
Bên cạnh đó, nước dâng do bão số 3 có thể đạt mức 1,5m và gây nguy hiểm các vùng trũng thấp, đặc biệt khi kết hợp sóng biển cao. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh nơi chịu ảnh hưởng của bão cần hết sức đề phòng do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn.
Dự kiến từ ngày 7/9, Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng từ bão số 3
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng Dự báo Đài KTTV Khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ thông tin: Dự kiến từ ngày 7/9, Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng từ bão số 3. Gió mạnh dần cấp 5, cấp 6 và mạnh nhất là cấp 7, giật cấp 9.
Một đợt mưa lớn tập trung xuất hiện khoảng ngày 7 – 8/9, nhưng trước đó có thể đã có mưa dông mạnh bất chợt do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão.
Mưa cũng tập trung trong thời gian ngắn nhiều khả năng sẽ gây ngập úng nội thành và các vùng trũng thấp ngoại thành.
Với cường độ mưa lớn, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ có thể xuất hiện đợt lũ lên tới báo động 3, gây ngập lụt lâu ngày ở một số xã thuộc Chương Mỹ như Tốt Động, Nam Phương Tiến. Thông tin cụ thể sẽ được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Nhấn mạnh công tác ứng phó, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là người dân cần tuân thủ yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương. Trước mắt là đảm bảo an toàn trên biển, rà soát các điểm xung yếu trên đất liền. Bão càng vào gần bờ, các cơ quan sẽ có những chỉ đạo chi tiết hơn.
Năm 2024, cao điểm mùa bão nó sẽ rơi vào khoảng tháng 10. Từ nay đến cuối năm còn tương đối nhiều cơn bão và hiện mới là cơn bão số 3. Trong tháng 9, bão có thể tập trung ở miền Bắc nhưng sang tháng 10, tháng 11 sẽ tập trung ở miền Trung, đặc biệt là Trung Trung Bộ.
- Tin bão mới nhất: Bão số 3 tăng lên cấp 15-16, 5 tỉnh thành này chịu tác động mạnh nhất, người dân cần đặc biệt chú ý
- Siêu bão số 3 Yagi sắp đổ bộ: Những khuyến cáo an toàn lúc này ai cũng cần đặc biệt ghi nhớ
- 6 sân bay có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3 Yagi, hành khách cần đặc biệt lưu ý điều này