Việt Nam xuất hiện lại căn bệnh truyền nhiễm từ năm 1935 tại Nhật Bản, bác sĩ chỉ ra giải pháp phòng ngừa bệnh
Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận nhiều dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp. Trong đó, các mầm bệnh như virus viêm não Nhật Bản, vi khuẩn não mô cầu, vi khuẩn phế cầu… gây viêm não, viêm màng não, có nguy cơ cao để lại di chứng, tàn tật vĩnh viễn cho người bệnh.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm là thanh niên 22 tuổi (trú tại thị xã Sơn Tây). Trường hợp này khởi phát với các triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt, có cơn rét run sau đó co giật toàn thân, mất ý thức, lơ mơ… phải điều trị tích cực tại bệnh viện.
Tương tự, CDC Đắk Lắk cũng ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm là nam thanh niên 20 tuổi (trú tại xã Krông Jing, huyện M’Đrắk). Bệnh nhân khởi phát với các triệu chứng sốt cao, mệt, điều trị tại bệnh viện địa phương không cải thiện nên tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, mùa hè với nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, xen kẽ các cơn mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và các động vật trung gian truyền bệnh phát triển.
Viêm màng não do não mô cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu, khoảng 50% bệnh nhân mắc não mô cầu sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dù được chữa trị tích cực, mỗi năm thế giới vẫn có khoảng 135.000 ca tử vong, lên đến 15% số ca mắc.
Tại Việt Nam, viêm màng não do não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với hàng chục ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh não mô cầu xuất hiện quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như doanh trại, ký túc xá sinh viên, trường học, nhà trẻ, nhà máy, công sở…
Vi khuẩn não mô cầu gây ra hai bệnh thường gặp và nặng nề nhất là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, ngoài ra có thể gây viêm ở các vị trí ngoài màng tim, niệu đạo, phổi, kết mạc, khớp…
Bệnh nguy hiểm khi các triệu chứng ban đầu như sốt, đau họng… có thể bị nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường. Các triệu chứng điển hình của bệnh như đau đầu dữ dội, ban xuất huyết hình sao (tử ban), cổ cứng… xuất hiện muộn hơn khiến bệnh khó được chẩn đoán kịp thời.
Viêm màng não do não mô cầu có thể gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên, 50% tử vong nếu không được điều trị. Cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh còn sống sót sẽ gặp nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như sẹo sau hoại tử da, cắt cụt tay chân, mù điếc, suy giảm trí tuệ… suốt đời. Chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu cũng rất tốn kém, có thể lên đến hàng tỷ đồng và phải sử dụng nhiều thiết bị, nhân lực, chi phí, chưa kể gánh nặng chăm sóc về sau cho người bệnh tàn tật.
Theo Bác sĩ Bạch Thị Chính, có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp và nguy hiểm nhất là A, B, C, Y, W-135, X. Tại Việt Nam, đã có vắc-xin phòng ngừa cho 5 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh não mô cầu xâm lấn nguy hiểm là A, B, C, Y, W-135, trong đó vắc-xin não mô cầu B thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, giúp phòng ngừa sớm và hiệu quả trên nhóm B cao hơn.
Bác sĩ Chính lưu ý, các vắc-xin não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vắc xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên mà không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm một loại.
Viêm não do virus viêm não Nhật Bản
Theo bác sĩ Chính, viêm não Nhật Bản do virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Virus được các nhà khoa học Nhật Bản phân lập lần đầu tiên vào năm 1935 tại Nhật Bản nên được đặt tên là viêm não Nhật Bản. Virus lây truyền qua muỗi trung gian truyền bệnh là Culex khi chúng hút máu từ các loài động vật mang mầm bệnh như heo, trâu, bò, ngựa, chim hoang dã… và truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Bệnh thường gia tăng vào mùa hè, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm do loại muỗi Culex thường sinh sản mạnh nhất vào thời gian này.
Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh là từ 5-14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Sau giai đoạn ủ bệnh, virus vượt qua hàng rào mạch máu não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát đột ngột sốt cao từ 39 đến 40 độ C, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác như ngủ gà, li bì, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ, tăng trương lực cơ dẫn đến co quắp người, giật rung các cơ mặt và chi, hôn mê… Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ còn là đau bụng, tiêu chảy, nôn giống như ngộ độc ăn uống. Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng và dẫn đến tử vong.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Có 50% trường hợp sống sót sau khi mắc bệnh bị tổn thương não vĩnh viễn với các di chứng về vận động và tâm thần như điếc, liệt, rối loạn ngôn ngữ… Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh và Parkinson.
Theo bác sĩ Chính, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh và gây biến chứng nếu chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác ở vùng lưu hành bệnh Viêm não Nhật Bản.
Bệnh có thể phòng ngừa nhờ vắc-xin, đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Trong đó, vắc xin Jevax (Việt Nam) có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Vắc-xin có phác đồ ba mũi cơ bản và cần tiêm nhắc 3 năm một lần. Nếu lịch tiêm 3 mũi khó tuân thủ, trung tâm tiêm chủng dịch vụ có loại vắc-xin thế hệ mới Imojev (Pháp) với ít số mũi tiêm hơn. Trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi cách nhau một năm; người từ 18 tuổi chỉ cần tiêm một mũi. Vắc-xin còn có thể dùng để tiêm nhắc cho trẻ đã hoàn thành lịch tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, mọi người cần giữ môi trường sống thông thoáng, tránh ao tù nước đọng, diệt lăng quăng và muỗi để phòng bệnh.
Ngoài vắc-xin ngừa viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh về não khác như vắc-xin phế cầu, vắc-xin sởi, thuỷ đậu… tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc sức khỏe suy yếu, dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay.