Thứ bảy, 23/09/2023, 07:17 (GMT+7)

Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Tự do Kinh tế

Theo Viện Fraser (Canada) công bố Việt Nam đã tăng được 4 bậc và xếp thứ 106 trong bộ chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Index).

Mới đây, Viện Fraser đã công bố báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023. Theo báo cáo này, Việt Nam xếp thứ 106 trong bộ chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (EFW-Economic Freedom of the World Index) năm 2021 (năm gần đây nhất có dữ liệu toàn diện), tăng được 4 bậc so với năm trước đó.

So với năm trước, Việt Nam ghi điểm ở bốn thành phần chính của chỉ số này. Trong đó, hệ thống pháp luật và quyền tài sản tăng từ 4,96 lên 5,15. Đây là năm đầu tiên, điểm số của chỉ số thành phần này của Việt Nam tăng trên 5 điểm. Cấu phần đồng tiền tốt tăng từ 6,96 lên 7,02. Đây tiếp tục là chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng thấp nhất, chủ yếu liên quan đến việc hạn chế quyền sở hữu ngoại hối trong thanh toán. Tự do thương mại quốc tế từ 6,4 lên 6,52. Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh từ 6,08 lên 6,1. 

nh chụp màn hình 2023
Ảnh minh họa

Theo Viện Fraser, mức tăng của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực, Singapore xếp thứ nhất, tăng 1 bậc, Malaysia (thứ 56, giảm 3 bậc), Thái Lan (thứ 64, tăng 8 bậc), Philippines (thứ 70, giảm 3 bậc), Indonesia (thứ 74, tăng 1 bậc), Campuchia (thứ 78, giảm 3 bậc), Lào (thứ 107, tăng 1 bậc).

Trong bảng xếp hạng, vị trí số 1 về Tự do kinh tế hiện nay thuộc về Singapore, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc), Thụy Sỹ, New Zealand, Mỹ, Ireland. Các quốc gia và nền kinh tế đáng chú ý khác bao gồm Nhật Bản (xếp thứ 20), Đức (thứ 23), Pháp (thứ 47), Nga (104) và Trung Quốc (111).

Được biết, báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới được Viện Fraser phối hợp với Mạng lưới Tự do Kinh tế - một nhóm các viện nghiên cứu và giáo dục độc lập ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện. Đây là thước đo hàng đầu thế giới về tự do kinh tế.

Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023 của Viện Fraser xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thể chế và chính sách được xem xét bao gồm: Các quy định quản lý của nhà nước, quyền tự do thương mại quốc tế, quy mô của chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, chính sách tiền tệ tốt. 

Cùng chuyên mục