Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 30/03/2024, 08:31 (GMT+7)

Tỷ giá USD trong nước biến động nhẹ

Sáng 30/3, tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do và các ngân hàng thương mại ghi nhận có sự biến động nhẹ. Tỷ giá trung tâm đi ngang tăng lên mức 24.003 đồng.

Sáng 30/3, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.003 đồng/USD; Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giao dịch quanh ngưỡng 23.400 - 25.153 đồng/USD (mua - bán), giữ nguyên so với mức công bố hôm qua

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động nhẹ. Tại Vietcombank, tỷ giá đồng USD giao dịch quanh mức 24.600 - 24.970 đồng/USD (mua - bán), tăng 10 đồng mỗi chiều; Vietinbank niêm yết tỷ giá đồng bạc xanh ở mức 24.603 - 25.023 đồng/USD (mua - bán), tăng 48 đồng cả chiều mua lẫn chiều bán; Viettinbank công bố giá mua vào đối với đồng USD là 24.660 đồng/USD và bán ra ở mức 24.970 đồng/USD, tăng 10 đồng mỗi chiều so với phiên giao dịch trước đó.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tương đối ổn định. Hiện giao dịch đồng USD ở quanh mức 25.400 - 25.460 đồng/USD (mua - bán), tăng 28 đồng/USD chiều mua vào và đi ngang chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

Tỷ giá USD hôm nay 4-1-2024: Đồng USD tăng đạt đỉnh 2 tuần
Tỷ giá USD trong nước biến động nhẹ trong ngày 30/3. (Ảnh: M.H)

Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,06%, xuống mốc 104,49.

Đồng USD giảm nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố. Hầu hết các thị trường tài chính ở Mỹ đều đóng cửa nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, ngoại trừ thị trường ngoại hối. Theo đó, giá cả ở Mỹ đã chững lại trong tháng 2, với chi phí dịch vụ chậm lại đáng kể, khiến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn cần được cân nhắc.

Báo cáo từ Bộ Thương mại hôm 29/3 cũng cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh nhất chỉ trong hơn một năm vào tháng trước, nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế. Mỹ tiếp tục vượt trội so với các nước cùng ngành trên toàn cầu mặc dù chi phí cho vay cao hơn, nhờ sức mạnh thị trường lao động bền bỉ.

Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,3% trong tháng trước. Dữ liệu tháng 1 đã được điều chỉnh cao hơn cho thấy chỉ số giá PCE tăng 0,4%, thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. Trong cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số giá PCE tăng 0,4% trong tháng 2.

Giá hàng hóa tăng 0,5% trong tháng 2, được thúc đẩy bởi giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa giải trí, xe cộ, quần áo và giày dép cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, giá đồ nội thất, thiết bị gia dụng và các hàng hóa sản xuất lâu dài khác đã giảm xuống.

Mặc dù áp lực về giá cả đang giảm bớt nhưng tốc độ đã chậm lại so với nửa đầu năm ngoái và lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Mỹ. Do đó, các quan chức Fed tuần trước đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương trong phạm vi 5,25% -5,50% hiện tại, sau khi tăng thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.

Các nhà hoạch định chính sách dự đoán sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong đó, thị trường tài chính mong đợi đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra tại cuộc họp chính sách tháng 6.

Cùng chuyên mục