Từ việc Tập đoàn Thắng Phát lĩnh phạt do xâm phạm quyền nhãn hiệu về sơn, chế tài xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu quy định thế nào?
Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát được xác định đã thực hiện hành vi vi phạm về sản xuất, đóng gói hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu sơn Maxten (vi phạm nhãn hiệu).
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát (có địa chỉ tại Cụm công nghiệp Đoan Bái - Lương Phong, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về hành vi sản xuất, đóng gói hàng hóa vi phạm quyền đối với nhãn hiệu sơn Maxten (vi phạm nhãn hiệu). Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Văn Thắng.
Qua xác minh, làm rõ, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xác định, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát đã có hành vi vi phạm hành chính về sản xuất (đóng gói hàng hóa có gắn nhãn hiệu sơn Maxten) hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu sơn Maxten (được quy định tại điểm a, khoản 13, Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ; đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ).
Do đó, căn cứ vi phạm nên trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định xử phạt Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát với số tiền 156 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hiệu.
Mặt khác, UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát khắc phục hậu quả, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm nhãn hiệu và tiêu hủy yếu tố vi phạm trên nhãn thùng sơn có gắn nhãn hiệu Sơn Maxten.
Cụ thể, tang vật vi phạm bị đề nghị tiêu hủy gồm: 43 thùng Sơn Maxten mã LT-NZ (loại 18 lít/ thùng), 17 thùng Sơn Maxten mã LT-NP1 (loại 18 lít/ thùng), 33 thùng Sơn Maxten mã P66 (loại 18 lít/ thùng), 21 thùng Sơn Maxten mã P88 (loại 18 lít/thùng), 25 thùng Sơn Maxten mã P99 (loại 18 lít/ thùng), 07 thùng Sơn Maxten mã LT-NI4 (loại 18 lít/ thùng), 29 thùng Sơn Maxten mã P55 (loại 18 lít/ thùng), 19 thùng Sơn Maxten mã LT-NW (loại 18 lít/ thùng), 07 thùng Sơn Maxten mã LT-NI1 (loại 18 lít/ thùng), 25 thùng Sơn Maxten mã LT-NE2 (loại 18 lít/thùng), 08 thùng Sơn Maxten mã LT-NE3 (loại 18 lít/ thùng), 21 thùng Sơn Maxten mã LT-NP1 (loại 5 lít/ thùng), 33 thùng Sơn Maxten mã LT-NP2 (loại 5 lít/ thùng), 14 thùng Sơn Maxten mã LT-NP4 (loại 5 lít/ thùng). Tổng cộng là 302 thùng sơn các loại đều có gắn nhãn hiệu sơn Maxten.
Cùng đó, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang được giao tổ chức thực hiện, giám sát Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Phát thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này theo đúng quy định pháp luật.
Xử lý hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu được quy định như thế nào?
Hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu gồm: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Trong khi đó, tại Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm b, khoản 10, Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định như sau: Trường hợp buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày để bán; vận chuyển không bao gồm quá cảnh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 250.000.000 đồng trong trường hợp trị giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 3 – 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 16, 17 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Đối với trường hợp sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, chào hàng, tàng trữ để bán, trưng bày để bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tại Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a, khoản 11 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4 – 250 triệu đồng trong trường hợp trị giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 5 – 300 triệu đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 12, 13 Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm c, d khoản 11 Điều 1 Nghị định số 46/2024/NĐ-CP.
- Thu giữ hơn 200.000 lon bò húc có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu RedBull sắp tuồn ra thị trường Tết 2025, đặc điểm nào để người tiêu dùng nhận biết hàng chính hãng?
- Liên tiếp phát hiện hành vi buôn bán hàng giả nhãn hiệu, nếu buôn số lượng lớn có đối mặt án phạt hình sự?
- Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị xử lý thế nào?