Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 10/10/2024, 08:59 (GMT+7)

Liên tiếp phát hiện hành vi buôn bán hàng giả nhãn hiệu, nếu buôn số lượng lớn có đối mặt án phạt hình sự?

Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang, vừa lập biên bản vi phạm hành chính và trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt một hộ kinh doanh tại Phú Quốc với số tiền 102,5 triệu đồng, liên quan đến hành vi trưng bày hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngày 27/9/2024, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an thành phố Phú Quốc tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm thời trang nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như LACOSTE và LOUIS VUITTON, với tổng giá trị gần 120 triệu đồng.

Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ tang vật và tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh sự việc. Sau quá trình làm việc với đại diện hộ kinh doanh và đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, ngày 04/10/2024, Đội QLTT số 4 lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu".

Theo Cổng thông tin Tổng cục Quản lý Thị trường, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, vụ việc đã được chuyển về Cục QLTT tỉnh Kiên Giang và trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt số tiền 102,5 triệu đồng. Toàn bộ tang vật vi phạm bị buộc tiêu hủy theo quy định.

DOI 4 - 09.10-4
Trưng bày nhiều sản phẩm giả nhãn hiệu.

Từ nay đến cuối năm 2024, Đội QLTT số 4 sẽ tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước đó, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Phú Yên cũng vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời lô hàng gồm 1.563 chiếc áo, váy, và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Zara và Mango đang trên đường vận chuyển tiêu thụ. Đây là các thương hiệu thời trang lớn, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Theo đó, vào rạng sáng ngày 09/10/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 89H-06356 đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở số lượng lớn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Zara và Mango.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản và phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên chuyển giao vụ việc cho Công an thành phố Tuy Hòa để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ việc tiếp tục được điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đồng thời đảm bảo công tác ngăn chặn hàng giả, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu.

Theo pháp luật Việt Nam, hành vi buôn bán hàng giả, đặc biệt là hàng giả nhãn hiệu, sẽ bị xử lý nghiêm khắc dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan.

Cụ thể, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu có thể bị phạt hành chính từ 30 triệu đến 100 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm. Cơ quan chức năng còn có thể áp dụng các biện pháp như tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo và đình chỉ hoạt động kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Về xử lý hình sự, theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người buôn bán hàng giả nhãn hiệu có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm tùy theo mức độ và tính chất của hành vi.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường dân sự từ doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi theo Luật Sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, uy tín và các chi phí phát sinh trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình. Những quy định này nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả trên thị trường. 

Cùng chuyên mục