Thứ năm, 19/12/2024, 06:26 (GMT+7)

Từ năm 2025, những vi phạm an toàn thực phẩm tại Hà Nội sẽ bị xử lý tăng nặng, hàng triệu người cần biết nếu không muốn bị phạt

Từ năm 2025, các vi phạm về an toàn thực phẩm tại Hà Nội sẽ chịu mức phạt nghiêm theo quy định mới, trong đó vi phạm quy định về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm sẽ bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.

Mức tiền phạt về an toàn thực phẩm cao gấp 2 lần quy định chung

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện Khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).

Theo quy định mới, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội sẽ cao gấp 2 lần so với mức tiền phạt áp dụng cho cá nhân, tổ chức tương ứng tại Nghị định số 115/2018 nhưng không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

attp
Ảnh minh họa.

Cụ thể, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Nghị quyết nêu rõ, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.

Tiếp đó, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm, có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.

Cùng đó, vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.

Đáng chú ý, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất lên đến 120 triệu đồng.

Mức tiền phạt quy định tại nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.

Việc ban hành quy định mới nhằm siết chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức của các cơ sở kinh doanh, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Ở diễn biến liên quan, theo quy định tại Nghị định số 115/2018 sửa đổi bởi điểm b, khoản 2, Điều 1 Nghị định số 124/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán thức ăn đường phố không có che đậy ngăn chặn bụi bẩn như sau:

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay...

Bất an ngộ độc thực phẩm, chuyên gia khuyến cáo gì?

Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với 9 tháng năm 2023. Tuy nhiên, số người ngộ độc tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc trên 30 người tăng.

Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật salmonela trong thịt nguội, các món gà, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa hay vi sinh vật Bacillus cereus trong canh chua thịt giá đỗ, vi sinh vật Staphylococus aureus trong mì Quảng,…

Từ các vụ ngộ độc cho thấy, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ thường xuyên. Có cơ sở không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Có cơ sở không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm.

Báo cáo từ cơ quan chức năng TP Hà Nội cho thấy, năm 2024, đã có hơn 70.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn được kiểm tra, giám sát. Trong đó, 3.234 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt với tổng số tiền lên tới 14,1 tỷ đồng.

Các vi phạm phổ biến được ghi nhận trong năm 2024 bao gồm: Khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực bếp, như có côn trùng và động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định. Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Ngoài việc xử phạt, các cơ quan chức năng còn tiến hành tiêu hủy 199 loại sản phẩm vi phạm của 5.709 cơ sở, bao gồm 10.000 bánh trung thu và 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, một cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thông tin trên báo chí, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bảo đảm an toàn thực phẩm là bí quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Trong đó, người tiêu dùng nên chọn lựa thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng. Các gia đình cần bảo quản thực phẩm đúng cách, từ thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, dằn, hâm, ướp lạnh).

Đặc biệt, ông Đặng Thanh Phong lưu ý, người dân giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống; vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống; vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng và ăn uống. Khi nấu nướng chế biến thức ăn, người dân cần dùng riêng các dụng cụ.

Bên cạnh đó, các gia đình cần sơ chế, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, đúng cách; sử dụng nguồn nước sạch; “ăn chín, uống sôi”, ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ. Các gia đình nên thận trọng khi ăn uống ở hàng quán bên ngoài; lựa chọn hàng quán có uy tín, thương hiệu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần chọn mua thực phẩm của những nhà cung cấp, nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng nói không với các loại hàng rẻ, hàng trôi nổi, hàng không có nhãn mác. Các gia đình thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ nhằm hạn chế hàm lượng thuốc trừ sâu tích tụ vào cơ thể, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng.

Ngoài ra, người tiêu dùng phải tìm hiểu, cung cấp cho mình những kiến thức về tiêu dùng sạch, sản xuất sạch để có cách nhận biết hoặc sử dụng thực phẩm một cách an toàn, thông minh.

Cùng chuyên mục