Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trái phép, thẩm mỹ Jongwon dính phạt nặng, đình chỉ hoạt động, chế tài quy định cụ thể ra sao?
Nhiều vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Jongwon vừa bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt, đình chỉ hoạt động 24 tháng.
Ngang nhiên hoạt động “4 không”
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Jongwon với tổng số tiền hơn 148 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Liên quan đến sự việc này, trước đó, thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 21/11/2024, Công an TP Bắc Giang phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Jongwon (địa chỉ số 627, đường Lê Lợi, TP Bắc Giang) do bà Nguyễn Lan Anh (sinh năm 1993, nơi thường trú: số 9, ngõ 183, đường Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) làm chủ.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở thẩm mỹ Jongwon đã thực hiện 4 hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể gồm: Khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề; bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Qua làm việc xác định, 16 người tại cơ sở bao gồm chủ cơ sở, quản lý, bác sĩ, kỹ thuật viên, tư vấn viên đều không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề có liên quan trong lĩnh vực y, dược, khám, chữa bệnh.
Công an TP Bắc Giang đã phối hợp Đội QLTT số 1 thiết lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ Jongwon về 4 hành vi vi phạm nêu trên, với số tiền 137,5 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi vi phạm hành chính với số tiền 10,55 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 24 tháng.
Các trường hợp được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh
Theo khoản 1, Điều 52 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) quy định, cấp mới giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hoạt động; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi giấy phép hoạt động, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 56 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng thay đổi hình thức tổ chức hoặc địa điểm; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng chia tách, hợp nhất, sáp nhập; trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Còn tại khoản 2, Điều 52 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh bao gồm: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có cơ cấu tổ chức phù hợp với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; có địa điểm hoạt động; có cơ sở vật chất phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 112 của Luật này;
Có đủ thiết bị y tế, phương tiện phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn và mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ có một người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động bị xử lý ra sao?
Theo khoản 15, Điều 7 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, tại khoản 7, Điều 38 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định, hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Ngoài hành vi trên, các hành vi dưới đây cũng sẽ áp dụng mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng. Cụ thể: Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật;
Tiếp đó là, thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hành nghề; cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo quy định tại khoản 5, Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, còn có thể bị nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi khám bệnh như trên.
Trong khi đó, liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị xử phạt từ 40 – 50 triệu đồng (nhân đôi đối với vi phạm là tổ chức), theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt này đồng thời áp dụng đối với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…
Mặt khác, cơ sở vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 - 24 tháng.
- Nhiều vi phạm chuyên môn khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Việt Pháp III, ai chịu trách nhiệm?
- Hoạt động khám chữa bệnh trái phép, Daisy Beauty, Trung tâm tiêm chủng Việt Pháp 2 bị phạt nặng, đình chỉ
- Sử dụng thuốc hết hạn, Nha khoa Sài Gòn lĩnh phạt, tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
- Cung cấp dịch vụ Pro, xe buýt Hà Nội thành ân nhân của nhiều khách hàng
- Từ việc Tập đoàn Thắng Phát lĩnh phạt do xâm phạm quyền nhãn hiệu về sơn, chế tài xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu quy định thế nào?
- Thu giữ hơn 200.000 lon bò húc có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu RedBull sắp tuồn ra thị trường Tết 2025, đặc điểm nào để người tiêu dùng nhận biết hàng chính hãng?