Thứ sáu, 01/11/2024, 13:56 (GMT+7)

Không đảm bảo an toàn thực phẩm, 'ông lớn' Thế giới hải sản, Bigstar Việt Nam lĩnh trát phạt

Trong danh sách các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vừa bị cơ quan quản lý y tế TP Hà Nội xử phạt có Công ty CP xuất nhập khẩu Thế giới hải sản và Công ty CP Bigstar Việt Nam cùng một số công ty khác…

10 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, an toàn thực phẩm bị xử phạt

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa công bố danh sách tổng hợp xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 14/10 - 29/10) đối với 10 cơ sở hành nghề y dược tư nhân và an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt là 217 triệu đồng.

Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đáng chú ý, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt số tiền 16 triệu đồng đối với Công ty CP xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (địa chỉ tại số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), do thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.

Bên cạnh đó, với lỗi vi phạm cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không đảm bảo quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, Công ty TNHH đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai (địa chỉ tại thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) đã bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 35 triệu đồng.

bigstarvietnam
Không đảm bảo an toàn thực phẩm, Công ty CP Bigstar Việt Nam lĩnh trát phạt. Ảnh: Bigstar Việt Nam.

Tiếp đến, Công ty CP Bigstar Việt Nam (địa chỉ nhà số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.

Trong khi đó, với hành vi vi phạm kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555 (địa chỉ tại 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình); chủ hộ kinh doanh Mường Hoa (địa chỉ căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cùng bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng/cơ sở.

Cùng mắc lỗi vi phạm tương tự, Công ty CP Five Spices (địa chỉ tại số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) và Công ty TNHH Greensky Quốc tế (địa chỉ tại số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) bị xử phạt cùng mức 25 triệu đồng/doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 3 cơ sở vi phạm. Đó là, quầy thuốc Dược 37 (địa chỉ thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) bị xử phạt 2 triệu đồng do không báo cáo Sở Y tế trong trường hợp đã tạm dừng hoạt động từ 6 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu y tế Thăng Long (địa chỉ lô 20-BT8 Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông) bị xử phạt 15 triệu đồng do chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Công ty TNHH phát triển nha khoa Thu Trang (địa chỉ xóm Nhật Tiến, thôn Nhật Tiến, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) bị phạt nặng với số tiền 70 triệu đồng. Doanh nghiệp này đã thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài phạt tiền, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng buộc doanh nghiệp phải tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo trên internet.

Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định ra sao?

Tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2016/NĐ-CP) quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các quy định tại Điều 28, 29 và Điều 30 Luật An toàn thực phẩm và các yêu cầu cụ thể gồm: Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm. Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong khi đó, tại các Điều 28, 29 và Điều 30 Luật An toàn thực phẩm quy định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống như sau: Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.

Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tiếp đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống gồm: Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Riêng với điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm phải sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh. Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

Điều 15 Nghị định số 115/NĐ-CP quy định cụ thể xử phạt về vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.

Theo đó, hành vi vi phạm không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng.

Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.

Đồng thời, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm…

Cùng chuyên mục